Sợ "phạm húy", có người kiêng cúng thịt lợn đêm Giao thừa năm Kỷ Hợi: Chuyên gia lý giải

Thanh Tú |

Trong mâm cỗ cúng Giao thừa năm Kỷ Hợi 2019, một số người truyền tai nhau thông tin nên kiêng cúng thịt lợn để tránh "phạm húy".

Họ cho rằng, năm mà con vật nào làm chủ thể thì không nên cúng thịt của con vật đó trong mâm cỗ cúng Giao thừa, để tránh "phạm húy" và mất tài lộc trong năm mới. Cụ thể, năm Hợi thì nên kiêng cúng thịt lợn đêm Giao thừa, cũng giống như năm Dậu kiêng cúng thịt gà, năm Sửu kiêng cúng thịt trâu...

Theo chia sẻ của TS Lê Xuân Phương (chuyên gia phong thuỷ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á) trên Lao động, quan niệm kiêng cúng thịt lợn trong năm Kỷ Hợi là mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học. 

Trong 12 con giáp thì có những con không có trong thực tế như con rồng, người ta không thể tìm được con vật này để cúng Giao thừa.

Chuyên gia này bày tỏ, với mỗi vùng miền thì người dân có cách bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên theo một cách khác nhau. Có nơi cúng gà, lợn, có nơi cúng cá... miễn sao người dân thấy món ăn quen thuộc, đi vào tiềm thức thì chế biến công phu để dâng lên tổ tiên.

"Người đồng bằng thường cúng bằng xôi chè, hoa quà, bánh kẹo. Đó đều là những món ăn được chế biến kì công.

Ở những vùng nông thôn, nghèo khó, nhiều người vẫn trân trọng chuẩn bị những món công phu nhất, phù hợp với túi tiền, thời gian dành cho việc cúng tổ tiên. Còn quan niệm kiêng cúng thịt lợn trong năm lợn là mê tín", nguồn trên dẫn lời TS Lê Xuân Phương.

Liên quan vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển) nhận định trên Gia đình & Xã hội, quan niệm không nên cúng thịt của các con vật làm chủ thể của năm có tính chất duy tâm và duy cảm cùng với nét duy vật thô sơ.

Theo ông, quan niệm này có chút tính chất nhân văn khi kiêng "làm điều ác" với con vật làm chủ thể trong năm, song không có cơ sở khoa học. Việc cúng thịt lợn trong đêm Giao thừa hay không tùy thuộc vào mỗi người, mỗi gia đình.

Ở góc độ khác, trên Vietnamnet, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Trịnh Sinh cho hay, với mâm cỗ cúng đêm Giao thừa theo văn hóa người Việt, gà trống thường được dùng để cúng. Gà được cho ngậm bông hoa màu đỏ tượng trưng cho ông mặt trời.

Ông cho rằng, người ta quan niệm gà trống mang biểu tượng của ngũ đức, gồm văn, võ, dũng, nhân, tín.

PGS Trịnh Sinh lý giải, nước ta là nước nông nghiệp, cư dân xa xưa đã thờ thần mặt trời để cầu xin phù hộ cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Gà là con vật đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của cư dân trồng lúa nước và lâu dần việc cúng gà trống đêm Giao thừa thành phong tục của các gia đình Việt. 

"Năm Kỷ Hợi, nhiều người quan niệm cúng thủ lợn hay năm Dần thì bắt buộc phải cúng giò lợn. Tuy nhiên, quan điểm này đi ngược lại với tục lệ và văn hóa tín ngưỡng của dân tộc ta. Việc cúng gà vào đêm giao thừa mang ý nghĩa biểu trưng...", ông nói.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại