Số ô tô trên 100 hộ dân trong nhóm giàu nhất Việt Nam chênh lệch ra sao so với 100 hộ dân trong nhóm nghèo nhất?

Thái Quỳnh |

Phải 200 hộ trong nhóm nghèo nhất mới có 1 chiếc ô tô duy nhất.

Báo cáo "Kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020" cho biết, thu nhập bình quân (TNBQ) 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt 4249,8 nghìn đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%.

TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5590,2 nghìn đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3481,5 nghìn đồng).

Đặc biệt, nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 9191,8 nghìn đồng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1142,8 nghìn đồng.

Nhìn sâu hơi vào dữ liệu số lượng đồ dùng lâu bên trên 100 hộ chia theo 5 nhóm thu nhập này, có thể thấy sự chênh lệch khá lớn.

Tổng quan, có thể thấy số lượng ô tô trên 100 hộ dân tăng đều qua các năm ở tất cả các nhóm thu nhập. Nhóm 1 tăng từ 0,1 năm 2010 lên 0,5 trong năm 2020. Nhóm 2 tăng từ 0,1 lên 1,2. Nhóm 3 tăng từ 0,1 lên 2,4. Nhóm 4 tăng từ 1 lên 5,1. Nhóm 5 tăng từ 4,5 lên 12,7.

 Số ô tô trên 100 hộ dân trong nhóm giàu nhất Việt Nam chênh lệch ra sao so với 100 hộ dân trong nhóm nghèo nhất?  - Ảnh 1.

Như thế, nếu vào năm 2010, cứ 1.000 hộ trong nhóm giàu nhất có 45 ô tô thì đến năm 2020 đã tăng lên 127 ô tô - con số này cao gấp hơn 25 lần so với nhóm nghèo nhất (chỉ 5 chiếc ô tô trên mỗi 1.000 dân). Và đồng nghĩa với việc phải 200 hộ trong nhóm nghèo nhất mới có 1 chiếc ô tô duy nhất.

Báo cáo cũng chỉ ra sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, lên tới 5,7 lần năm 2020, (5677,9 nghìn đồng/ người/tháng so với 1001,6 nghìn đồng/ người/ tháng).

Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2020 là 0,375 thấp hơn GINI giai đoạn 2010-2019 ở mức 0,4 nhưng vẫn ở mức bất bình đẳng trung bình. Mức độ bất bình đẳng ở nông thôn cao hơn thành thị. Hai vùng có tỷ lệ nghèo cao là Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI cao nhất, vùng có hệ số GINI thấp nhất là Đông Nam Bộ.

Liên quan đến nỗ lực giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều chung cả nước năm 2020 là 4,8%, giảm gần một nửa so với năm 2016 (từ 9,2% giảm xuống còn 4,8%). Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều ở nông thôn là 7,1%, cao hơn nhiều ở khu vực thành thị là 1,1%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, khoảng cách nghèo đa chiều giữa khu vực nông thôn và thành thị đang giảm dần.

Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều có sự khác biệt giữa các vùng. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều cao nhất (14,4%), tiếp đến là các vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (11% và 6,5%). Vùng có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều thấp nhất là Đông Nam Bộ (0,3%).

Giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản có xu hướng giảm qua các năm ở đa số các chỉ số. Điều này cho thấy các hộ gia đình Việt Nam tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Riêng năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 nên xu hướng giảm này không còn tiếp diễn ở một số chỉ số.

Chỉ số có mức độ thiếu hụt nhiều nhất là bảo hiểm y tế, tuy nhiên đây cũng là chỉ số có mức giảm nhanh nhất, từ 40,6% năm 2016 giảm xuống còn 18,9% năm 2020. Khám chữa bệnh và giáo dục trẻ em là các chỉ số có mức độ thiếu hụt rất ít.

Các chỉ số có mức độ thiếu hụt không thay đổi đáng kể qua các năm là tài sản tiếp cận thông tin, khám chữa bệnh, giáo dục trẻ em và giáo dục người lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại