Đề nghị này bắt nguồn từ kế hoạch hợp tác và hứa chuyển giao công nghệ giữa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với Hội đồng Bông Điều Bờ Biển Ngà.
Cụ thể, một số DN điều cảnh báo khi đã nắm được công nghệ chế biến từ Việt Nam thì các đối tác sẽ hạn chế bán điều thô, tập trung chế biến trong nước để xuất khẩu.
“Khi đó họ sẽ tăng giá, chậm giao hàng, làm thị trường khan hiếm giả tạo… gây thiệt hại rất lớn cho các DN điều Việt Nam” - ông Lãng nhận định.
Tuy nhiên, có DN lại cho rằng không lo. Là một DN chuyên chế tạo máy móc, thiết bị ngành điều, ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Công ty Gia Lợi Long An, nói:
“Việc bán máy móc không phải là chuyển giao công nghệ, không phải cứ có máy móc là DN làm chủ được công nghệ.
Những năm qua không chỉ Việt Nam bán máy móc cho châu Phi mà nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Ý, Bồ Đào Nha… cũng bán.
Thế nhưng các nước châu Phi vẫn không làm chủ được công nghệ chế biến hạt điều. Chưa kể Việt Nam chỉ bán những thiết bị, máy móc đời cũ và chỉ ở một số khâu như cắt, tách vỏ hạt điều”.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng đồng thời là Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN công nghệ ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng chuyển giao công nghệ là xu thế mà thế giới đã làm từ lâu.
Bờ Biển Ngà cũng đã mở rộng hợp tác với nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Ý… để được chuyển giao công nghệ. Nếu Việt Nam không tham gia thì chịu thiệt vì việc hợp tác có lợi nhiều cho bên chuyển giao.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho biết Vinacas đã đề nghị Trung tâm ươm tạo DN công nghệ của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tạm dừng hợp tác với Bờ Biển Ngà, chờ ý kiến của Bộ NN&PTNT.
Theo Vinacas, công nghệ chế biến điều là của quốc gia, Vinacas là chủ sở hữu.
“nếu chuyển giao công nghệ thì phải có lộ trình, có ràng buộc. Chẳng hạn, châu Phi phải cung cấp 500.000 tấn điều thô mỗi năm và miễn thuế xuất khẩu cho DN Việt Nam.
Đổi lại Việt Nam sẽ hỗ trợ khâu trồng trọt, chuyển giao một phần công nghệ chế biến” - ông Thanh đề nghị.