Sở hữu “khu du lịch đẳng cấp khu vực”, tỉnh này muốn thu 35.000 tỷ đồng từ du lịch trong 5 năm

Dy Khoa |

Tỉnh này xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, du lịch Tây Ninh ước đạt 3,9 triệu khách, tăng 3,6% so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.145 tỷ đồng , tăng 37,3% so cùng kỳ, đạt 93,3% so với kế hoạch, Báo Tây Ninh cho biết.

Riêng trong tháng 8/2024, khách tham quan du lịch, điểm du lịch ước đạt 276,5 ngàn lượt khách, tăng 17,7% so cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 158 tỷ đồng, tăng 43,6% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tỉnh tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, Tây Ninh đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 6 tỉnh, thành phố nước ngoài; trong đó, tỉnh này đã ký 2 bản thoả thuận hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc và 4 thoả thuận hợp tác với các tỉnh thuộc Campuchia.

Sở hữu “khu du lịch đẳng cấp khu vực”, tỉnh này muốn thu 35.000 tỷ đồng từ du lịch trong 5 năm- Ảnh 1.

Tây Ninh là tỉnh thuộc Đông Nam Bộ, có núi Bà Đen là biểu tượng.

Ngành du lịch thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh Tây Ninh, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, phát triển đô thị...

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư, theo UBND tỉnh, kế hoạch đến năm 2025, Khu du lịch núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực.

Nơi đây sẽ là tâm điểm để kết nối, lan toả du lịch địa phương nói riêng và cả khu vực Đông Nam Bộ nói chung.

Trong giai đoạn 2021-2025, doanh thu du lịch sẽ đạt 9.000 tỷ đồng và khách tham quan du lịch đạt 18 triệu lượt. Định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh sẽ đóng góp trên 10% GRDP.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân từ 25% mỗi năm trở lên; phát triển, kết nối đồng bộ loạt điểm đến hấp dẫn ở Tây Ninh bao gồm: Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam...

Tương lai gần, giai đoạn 2026-2030, tỉnh đặt mục tiêu doanh thu du lịch đạt 35.000 tỷ đồng , khách tham quan du lịch đạt 37 triệu lượt.

“Tây Ninh xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và du lịch của Đông Nam Bộ và cả nước, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống”, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc nói.

Lãnh đạo Tây Ninh nói thêm: “Đến năm 2050, tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng”.

Sở hữu “khu du lịch đẳng cấp khu vực”, tỉnh này muốn thu 35.000 tỷ đồng từ du lịch trong 5 năm- Ảnh 2.

Tây Ninh đặt mục tiêu là nơi đáng sống, đến năm 2030.

Trong 8 tháng năm 2024, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tây Ninh có xu hướng phục hồi tốt, kinh tế tăng trưởng tích cực.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 8.422 tỷ đồng, đạt 75,9% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ. Tính đến 20/8, tỉnh đã giải ngân 1.611/4.147 tỷ đồng, đạt 38,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 37,9% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Ước giải ngân đến 31.8 đạt 1.737 tỷ đồng, đạt 41,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 40,9% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Tây Ninh sẽ là trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch

Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến 2030, công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Sở hữu “khu du lịch đẳng cấp khu vực”, tỉnh này muốn thu 35.000 tỷ đồng từ du lịch trong 5 năm- Ảnh 3.

Tây Ninh sẽ là cửa ngõ thương mại quốc tế; tỉnh này có chung biên giới với tỉnh bạn Campuchia.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%/năm ; cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 58%, dịch vụ chiếm 25% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.

Quy hoạch xác định 7 đột phá phát triển của tỉnh gồm: phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại