Quốc đảo nhỏ nhất thế giới sở hữu tài nguyên đặc biệt từ "phân chim"
Đảo quốc kỳ lạ Nauru thực chất là một hòn đảo san hô ở giữa Thái Bình Dương, với diện tích đất liền chỉ 21,1 km vuông. Nauru là quốc gia nhỏ nhất tại Nam Thái Bình Dương, nhỏ thứ ba trên thế giới về diện tích, chỉ sau Thành Vatican và Công quốc Monaco, quốc gia đầu tiên không có thủ đô hay thành phố và là đảo quốc nhỏ nhất trên thế giới.
Nauru là một đảo đá phosphat, giàu tài nguyên gần bề mặt, do vậy có thể dễ dàng tiến hành khai thác lộ thiên. Vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, Nauru có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong số các quốc gia có chủ quyền nhờ khai thác số tài nguyên này. Nhưng hiện nay, đảo còn lại một số trữ lượng phosphat, song không còn có hiệu quả kinh tế để tiến hành khai thác.
Quốc gia Nauru chỉ có duy nhất một ngôi làng, lúc nhiều nhất xấp xỉ 13.000 người, ít nhất cũng chỉ còn 600 người. Tuy đây chỉ là một nơi cực kì nhỏ bé nhưng lại luôn khiến các nước lớn phải "dòm ngó" bởi trữ lượng phosphat khổng lồ.
Trong phạm vi 300 km vuông của Nauru hầu như không có bất kỳ hòn đảo nào khác, vì vậy nó đã trở thành nơi định cư chính của các loài chim biển. Chúng sinh sôi nảy nở ở đây từ năm này qua năm khác, và để lại cho người Nauru một "tài sản" khổng lồ - phân chim.
Nhờ vào khai thác được "phân chim", Nauru đã trở nên giàu có rất nhanh chóng. Thu nhập bình quân đầu người tăng vọt lên gần 200.000 và GDP bình quân đầu người gần như đứng thứ hai thế giới. Năm 1980, Nauru được coi là quốc gia giàu có nhất nhì thế giới. Sự giàu có của đảo quốc này sánh ngang với Ả Rập Xê Út, thậm chí còn giàu hơn cả Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, quốc gia này lại lâm vào cảnh "vỡ nợ". Đến năm 2017, BusinessTech đã liệt kê Nauru vào danh sách một trong năm quốc gia nghèo nhất thế giới.
"Phân chim" ở Nauru có gì đặc biệt?
"Phân chim" trên đảo Nauru có tỷ lệ bao phủ 80% diện tích đảo, dày hơn 10 mét, chứa quặng phosphat cực kỳ khan hiếm, có thể ví như "vàng ở khắp mọi nơi".
Hơn thế, Nauru là một đảo san hô và rất giàu canxi cacbonat, phân chim tích tụ qua nhiều năm chứa nhiều photphat hữu cơ hòa tan, dưới tác dụng của nhiệt độ cao và sự bào mòn của mưa, hai chất phản ứng hóa học tạo thành nhiều loại apatit khác nhau.
Mặt khác, vị trí địa lý nằm giữa đại dương giúp cho các chất hóa học này không bị ô nhiễm quá nhiều. Cùng với hàm lượng phốt pho cao trong phân chim, đá phosphat ở Nauru tương đối tinh khiết và có hàm lượng phốt pho rất cao.
Phosphat có rất nhiều công dụng: dùng làm nguyên liệu hóa học để sản xuất phân bón, dùng trong chế biến thực phẩm...Quan trọng hơn, nó có thể được sản xuất thành vật liệu chịu lửa.
Xét về sự phát triển của thế giới lúc bấy giờ, khoáng sản "phân chim" này quả thực rất quan trọng. Vì thế cũng dễ hiểu khi quốc đảo Nauru trở nên giàu có rất nhanh dựa vào nguồn tài nguyên độc nhất vô nhị này.
Tuy nhiên, sự giàu có này chỉ kéo dài chưa đầy 20 năm.
Năm 1970, Nauru giành lại quyền khai thác đá phosphát trên đảo. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ đã nâng sản lượng khai thác lên 1 triệu tấn/năm và xuất khẩu, buôn bán.
Tuy nhiên, đá phosphát không phải là tài nguyên tái tạo. Nauru chỉ là một hòn đảo nhỏ, dù tài nguyên đá phosphát trên đảo có nhiều đến đâu cũng sẽ nhanh chóng cạn kiệt trong điều kiện bị khai thác không kiểm soát.
Kể từ những năm 1990, sản lượng khai thác đá phosphat ở Nauru giảm dần theo từng năm. Đến năm 2000, lượng xuất khẩu chỉ còn dưới 500.000 tấn, sau đó ngày càng ít đi.
Việc khai thác quặng phốt phát không được kiểm soát đã làm nhiễm mặn một phần diện tích đất không nhỏ, khiến việc trồng hoa màu trở nên không phù hợp; dần dẫn đến thiếu hụt kinh phí, vốn đầu tư có xu hướng sụt giảm.
Cho đến nay, Nauru đã rơi vào tình cảnh ngặt nghèo khi thiếu cả nguồn thu nhập lẫn lương thực. Người dân thậm chí không đủ cơm để ăn và chỉ có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế…