Sợ hãi trước luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, người Hồng Kông vội tìm cách bảo mật thông tin cá nhân

Bảo Nam |

Sử dụng các ứng dụng nhắn tin được mã hóa, lọc các bài đăng cũ trên mạng xã hội và cài đặt phần mềm VPN là những biện pháp tình thế mà người dân Hồng Kông đang áp dụng.

Sam Wong nhớ chính xác thời điểm anh xóa tài khoản Facebook của mình.

Đó là một giờ trước khi đồng hồ điểm đúng nửa đêm ngày 1/7, thời điểm Hồng Kông chính thức thông qua cái gọi là Luật Về bảo vệ an ninh quốc gia ở Hồng Kông do chính quyền Bắc Kinh áp đặt.

Giống như nhiều người khác sống trong thành phố, Wong chỉ biết về các chi tiết đầy đủ của luật này sau khi nó được ký. Đến khi nó có hiệu lực, anh quyết định rằng thời điểm đó đã đến. Thời điểm để anh rời khỏi các nền tảng truyền thông xã hội. Người quản lý dịch vụ xã hội ở độ tuổi 30 này, yêu cầu sử dụng bút danh, vì sợ gây nguy hiểm cho công việc của bản thân.

Theo luật mới được ký, người phạm các tội liên quan đến ly khai và xúi giục chống phá sẽ phải chịu hình phạt tối đa là tù chung thân. Hơn nữa, các quy tắc mới ủy quyền cho cảnh sát kiểm tra các thiết bị điện tử được cho là có chứa bằng chứng phạm tội, hay yêu cầu các nền tảng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ internet hỗ trợ thực thi pháp luật mà không cần lệnh, theo các chuyên gia trong ngành.

TikTok, ứng dụng video ngắn trong quá khứ từng tuyên bố từ chối kiểm duyệt nội dung của người dùng hoặc chia sẻ dữ liệu, cho biết họ đã quyết định rời khỏi thị trường Hồng Kông.

Chủ sở hữu WhatsApp - Facebook, Google, Twitter và Zoom cũng cho biết trong tuần này rằng họ đã đình chỉ yêu cầu dữ liệu người dùng từ chính quyền Hồng Kông và sẽ theo dõi sự phát triển và đánh giá hiệu lực của luật mới.

Các chuyên gia pháp lý cho biết luật an ninh quốc gia sẽ tác động đến bất kỳ ai trong thành phố từ những người bất đồng chính kiến​ đến những công dân bình thường thảo luận về chính trị.

Sợ hãi trước luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, người Hồng Kông vội tìm cách bảo mật thông tin cá nhân - Ảnh 2.

Các hình phạt khắc nghiệt theo luật mới đã khiến nhiều người dùng internet và điện thoại thông minh trong thành phố này sợ hãi. Một số người đang chuyển sang các ứng dụng nhắn tin được mã hóa để bảo vệ quyền riêng tư của bản thân, trong khi những người khác đang xem xét các bài đăng cũ trên mạng xã hội và cài đặt phần mềm mạng riêng ảo (VPN) để tránh sự giám sát.

Một ứng dụng đang gây chú ý là Signal, một ứng dụng nhắn tin được mã hóa. Kể từ ngày 1/7, nó đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên Play Store của Google ở ​​Hồng Kông, theo công ty phân tích App Annie. Đây cũng là ứng dụng nhắn tin mạng xã hội hàng đầu trong App Store của Apple ở khu vực này.

Cũng giống như WhatsApp, Signal chấp nhận mã hóa đầu cuối, có nghĩa là không ai khác ngoài người gửi và người nhận có thể đọc nội dung của tin nhắn. Và thậm chí Signal còn tiến thêm một bước để tăng cường bảo mật. Tính năng "Tin nhắn biến mất" được thêm vào cho phép người dùng tự động xóa tin nhắn ở cả hai đầu của một cuộc trò chuyện sau một thời gian nhất định, từ 5 giây cho đến một tuần.

Sợ hãi trước luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, người Hồng Kông vội tìm cách bảo mật thông tin cá nhân - Ảnh 3.

Luật Về bảo vệ an ninh quốc gia ở Hồng Kông do chính quyền Bắc Kinh áp đặt bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Pazu Kong, một blogger du lịch có tiếng trên mạng, gần đây đã khuyến khích 63.000 người theo dõi trên Facebook của mình sử dụng Signal. Và trong vài ngày qua, anh đã thấy sự gia tăng đột biến trong việc cài đặt ứng dụng này trong mạng lưới kết nối của mình.

"Từ năm ngoái, tôi đã kêu gọi bạn bè cài đặt Signal và sử dụng VPN, nhưng rất nhiều người trong số họ nói: 'Nhưng tôi không có thông tin nhạy cảm nào để che giấu'", anh chia sẻ. "Mặc dù vậy, gần đây, ít nhất những người bạn thân của tôi đã tải xuống cả phần mềm VPN và Signal. Thành thật mà nói, tôi khá ngạc nhiên."

Ngay cả những người không đặc biệt lên tiếng về chính trị cũng nói rằng họ đang chú ý nhiều hơn đến các "dấu chân kỹ thuật số" của họ trên mạng. Wong, người đàn ông đã xóa tài khoản Facebook của mình tuần trước, là một trong số đó. Anh nói rằng lo lắng không phải vì bản thân, mà vì những người bạn thẳng thắn hơn của mình.

"Tôi không thực sự viết bất cứ điều gì không thể công khai hoặc sẽ bị cảnh sát bắt giữ", anh giải thích. "Tuy nhiên, trên Facebook, nếu bạn là bạn của ai đó, bạn có thể thấy những gì người đó đã đăng. Điều đó có nghĩa là nếu tài khoản của tôi bị xâm phạm hoặc nếu điện thoại của tôi bị hack hoặc nếu tôi bị bắt giữ và người khác sẽ nhìn thấy những gì trên điện thoại của tôi. Đó không chỉ là những thứ tôi viết bị lộ mà còn của cả bạn bè của tôi nữa".

Sợ hãi trước luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, người Hồng Kông vội tìm cách bảo mật thông tin cá nhân - Ảnh 4.

TikTok đã tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường Hồng Kồng.

"Mọi người có lý do chính đáng để lo lắng về những bình luận họ đưa ra trên mạng vì luật pháp không có cách gì ngăn cản các nhà chức trách giám sát email và tin nhắn văn bản của người dùng", theo luật sư Craig Choy.

"Các tội danh mở rộng và được xác định một cách mơ hồ", ông nói. "Hiệu ứng này đủ mạnh để khiến mọi người sợ hãi khi thảo luận về chính trị với những người khác."

Các quan chức Bắc Kinh đã nói rằng luật mới không có tác dụng hồi tố, tuy nhiên theo luật sư Anson Wong Yu-yat, những bình luận trong quá khứ vẫn có thể được sử dụng để chống lại mọi người. "Nếu bạn có bất kỳ hành vi mới nào hoặc đưa ra bất kỳ bình luận mới nào, có khả năng tòa án có thể suy ra ý định hiện tại của bạn dựa trên hành vi trong quá khứ", ông nói.

Một nghiên cứu sinh 30 tuổi tại một trường đại học ở Hồng Kông nói rằng cô nhận thấy các bài đăng cũ trên Facebook của mình đã biến mất khỏi nền tảng này.

"Tôi thấy rằng nhiều tin tức [bài báo] mà tôi đã chia sẻ trên Facebook không còn nữa vì các bài viết gốc có thể đã bị xóa", cô nói.

Bản thân cô cũng đã đích thân thay đổi trạng thái của một số bài đăng cũ của mình trên Facebook, từ cho phép mọi người đọc được thành "ẩn trên dòng thời gian" để tránh gặp rắc rối.

Sợ hãi trước luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, người Hồng Kông vội tìm cách bảo mật thông tin cá nhân - Ảnh 5.

Một cuộc biểu tình ở quận Causeway Bay tại Hồng Kông vào ngày 1/7 vừa qua.

Phát biểu dưới bút danh Giselle Ng, một nghệ sĩ tự do ở độ tuổi 20 cho biết cô đã trở nên cảnh giác hơn sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua.

"Một số công việc trước đây của tôi liên quan đến việc nói chuyện với những người tham gia các phong trào khác nhau, vì vậy tôi đã lưu tất cả thông tin trên ProtonMail (một dịch vụ mail an toàn)", cô nói. "Tôi cũng mã hóa ứng dụng bằng mật khẩu riêng trên điện thoại của mình."

Để ẩn địa chỉ IP của bản thân, gần đây cô đã đăng ký dịch vụ VPN. "Tôi để nó gần như mọi lúc và chỉ tắt nó khi tôi phải mua sắm trực tuyến vì quy trình xác minh thẻ tín dụng yêu cầu địa chỉ IP cục bộ", cô chia sẻ.

Ng cho biết một nghệ sĩ đồng nghiệp của cô đã chuyển tài khoản Instagram của mình sang chế độ riêng tư. Người này cũng bắt đầu thực thi các quy tắc nghiêm ngặt về việc cho phép những người có thể theo dõi tài khoản của mình. Ví dụ như yêu cầu hơn 2.800 người theo dõi cô che giấu danh tính bằng cách giấu ảnh khuôn mặt, tên thật và ngày sinh, cũng như xóa mọi khẩu hiệu phản đối khỏi các dòng miêu tả trên trang cá nhân.

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại