Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa có tờ trình gởi UBND TP về phương án mở cửa trường học, cho học sinh trở lại trường tại các địa phương được xác định an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, khi các quận, huyện và TP Thủ Đức được xác định là an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí chung của TP, UBND cấp quận xây dựng kế hoạch mở cửa trường học với một số yêu cầu cơ bản.
Cụ thể: Các địa phương phải được xác định là an toàn trong phòng chống dịch Covid-19; cơ sở giáo dục được đánh giá an toàn theo Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học. Đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần.
Chỉ tổ chức học trực tiếp cho những học sinh trong địa phương và trên tinh thần tự nguyện. Đồng thời, vẫn tiếp tục tổ chức tốt dạy – học trên môi trường internet, qua truyền hình… để đáp ứng yêu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp cũng như bổ trợ, song hành cùng học trực tiếp trên lớp.
Để có thể mở cửa trường học, Sở GD-ĐT TP HCM xây dựng các kịch bản: Rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục, có phương án bổ sung, hợp đồng tạm nhằm đảm bảo đủ để hoạt động trở lại, nhất là đối với cơ sở giáo dục mầm non.
Địa phương đảm bảo việc chích vắc-xin cho đội ngũ giáo viên. Chỉ những giáo viên được chích ngừa vắc-xin Covid-19 trước 2 tuần mới được vào trường và tạo điều kiện để giáo viên di chuyển từ nhà đến trường làm việc, nhất là với những người ngoài địa phương.
Giáo viên chưa đủ điều kiện an toàn có thể được bố trí hỗ trợ hoạt động dạy – học trên môi trường internet.
Sở GD-ĐT TP HCM trình phương án mở cửa trường học
Riêng đối với giáo dục mầm non, tham mưu UBND TP HCM ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 cho địa phương và thực hiện mở cửa đồng loạt trên địa bàn.
Trong đó, trường học ưu tiên chỗ học cho trẻ mẫu giáo và chỉ nhận giữ trẻ trong địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập hoạt động đúng quy định, đảm bảo an toàn.
Thời gian đầu, các trường mầm non không tổ chức ăn sáng; bố trí thời gian đưa, đón trẻ lệch giờ.
Sau mỗi tuần, Phòng GD-ĐT đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND quận - huyện điều chỉnh phương án theo hướng mở dần đối với trẻ lứa tuổi nhà trẻ (có thể tổ chức cho trẻ ăn sáng theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh).
Đối với giáo dục phổ thông và thường xuyên, các địa phương sẽ tận dụng tối đa khoảng "thời gian vàng", ưu tiên các lớp nhỏ 1, 2, đầu cấp và cuối cấp. Từng trường sẽ xây dựng phương án đi học lại cụ thể, căn cứ điều kiện cụ thể (tiến độ sửa chữa cơ sở vật chất, nhân sự…).
Trong khi đó, các trường tiếp tục duy trì tốt việc dạy - học trên môi trường internet, qua truyền hình… để đáp ứng nhu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp (ngoài địa phương) cũng như bổ trợ, song hành cùng học trực tiếp trên lớp.
Thời gian đầu, trường học chia nhỏ lớp, chỉ bố trí học 1 buổi, ưu tiên các lớp 1, 2, 9, 12 đi học trước, sau đó đến các lớp đầu cấp và cuối cấp 5, 6, 10…
Sau mỗi tuần, nhà trường đánh giá độ an toàn và các điều kiện để trình cơ quan quản lý (phòng GD-ĐT hoặc Sở GD-ĐT) điều chỉnh phương án theo hướng mở dần.
Theo kịch bản đề xuất của Sở GD-ĐT TP HCM, phương án tổ chức cho học sinh trở lại trường học ưu tiên khối ngoài công lập do không vướng việc tham gia phòng chống dịch.
Những cơ sở giáo dục ngoài công lập đảm bảo được các điều kiện an toàn có thể bố trí nội trú cho giáo viên và học sinh ngoài địa phương theo phương án "3 tại chỗ" để tổ chức dạy - học trực tiếp.
Riêng các cơ sở giáo dục ngoại ngữ - tin học, tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài nhà trường…, mở cửa sau khi các địa bàn lân cận cũng đã an toàn.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP HCM, để mở cửa trở lại các ngành hoạt động, phục hồi kinh tế, cần tính toán cho học sinh quay lại trường. Đây là điều kiện rất quan trọng, giúp các địa phương sớm ổn định, để người lớn yên tâm đi làm.
Việc tận dụng "khoảng thời gian vàng" để học sinh được học trực tiếp vừa là điều kiện rất cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục vừa là điều kiện cơ bản để ổn định xã hội.
Thêm vào đó, hiện nay, các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là bậc mầm non, đang vô cùng khó khăn.
Nhiều đơn vị đã ngưng hoạt động. Các địa phương đang đối diện khó khăn cả về trường lớp (sử dụng để phòng chống dịch) lẫn đội ngũ (chưa tuyển dụng được; cán bộ, giáo viên bị nhiễm hoặc bị phong tỏa do Covid-19, bỏ nghề…). Nhiều học sinh gặp khó khăn, thiếu điều kiện để học trực tuyến...