So găng năng lực cạnh tranh, điều hành kinh tế của 5 thành phố trực thuộc trung ương

Thái Quỳnh |

Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, có 2 thành phố tăng bậc, 2 thành phố không thay đổi thứ hạng và 1 thành phố giảm bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2021.

Hải Phòng (2)

Theo Bảng xếp hạng PCI 2021, Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương có xếp hạng cao nhất, lần đầu tiên nắm giữ vị trí á quân của bảng xếp hạng PCI với 70,61 điểm, chỉ sau tỉnh Quảng Ninh.

Thành phố Hải Phòng đã cải thiện được 5 bậc trong xếp hạng PCI năm nay và đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay nhờ những cố gắng trong thuận lợi hóa môi trường kinh doanh tại địa phương. Thành phố đã tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua đối thoại trực tiếp hằng tháng giữa doanh nghiệp với lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành chức năng.

Thành phố Hải Phòng cũng đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch làm đầu mối theo mô hình “một cửa” cho các hoạt động đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Nhờ vậy, trong năm 2021, thành phố không chỉ thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong nước mà còn vươn lên dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cũng trong năm 2021, thành phố Hải Phòng lần đầu tiên tiến hành đánh giá và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và cấp huyện (DDCI). Việc đánh giá DDCI là một bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách tại một thành phố lớn, trực thuộc trung ương như Hải Phòng.

Đây là bước đi quan trọng của địa phương trong việc tăng cường các hình thức đối thoại, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện.

Một số sở ngành của Hải Phòng như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Ban Quản lý Khu kinh tế đã ký cam kết công khai trước doanh nghiệp những nội dung hỗ trợ và cải cách rất cụ thể.

Chẳng hạn như cam kết chủ động liên lạc với doanh nghiệp để hướng dẫn chi tiết hồ sơ nếu chưa phù hợp, cam kết không để doanh nghiệp phải đi lại bổ sung hồ sơ quá 1 lần, cam kết giảm thời gian giải quyết nhiều thủ tục xuống còn một nửa so với quy định của Trung ương.

Việc ký cam kết công khai và sau đó đề nghị doanh nghiệp và báo chí theo dõi và giám sát việc thực hiện các cam kết là một bước đi thay đổi rất tích cực của thành phố quan trọng cửa ngõ Đông Bắc của cả nước.

Những nỗ lực của thành phố Hải Phòng trong năm qua đã giúp thành phố cải thiện 17 bậc về xếp hạng Tính minh bạch, 10 bậc về Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương và 2 bậc trong xếp hạng về Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Đà Nẵng (4)

Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương có sự ổn định nhất về kết quả chất lượng đánh giá năng lực điều hành kinh tế qua thời gian. Với điểm số 70,42, thành phố Đà Nẵng cải thiện một bậc thứ hạng so với năm 2020 để giữ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng PCI 2021.

Bên cạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, thành phố Đà Nẵng đã thành lập thêm Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng.

Các tổ công tác liên ngành này sẽ giúp nắm bắt nhanh chóng các vấn đề của doanh nghiệp và giúp chính quyền thành phố có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các tổ công tác cũng sẽ hỗ trợ tích cực công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội (10)

Thành phố Hà Nội đứng thứ 10 (68,6 điểm) trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố; được đánh giá khá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Hà Nội đã tụt 1 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2020 - thời điểm Hà Nội đứng thứ 9 với số điểm là 66,93 điểm).

Cần Thơ (12)

Trong bảng xếp hạng năm 2021, Thành phố Cần Thơ vẫn giữ nguyên vị trí thứ 12 cả nước, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sau Đồng Tháp.

"Chúng ta phải phấn đấu ít nhất lọt top 10 và tiến tới top 5 cả nước" – Chủ tịch UBND Thành phố Trần Việt Trường nhấn mạnh.

TP Hồ Chí Minh (14)

TP HCM đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng năm 2021, và đứng thứ 5 trong số các thành phố trực thuộc trung ương. Thành phố đã duy trì thứ hạng này kể từ năm 2019.

Trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đạt 67,5 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có môi trường đầu tư kinh doanh khá thuận lợi.

Năm 2016, PCI của TP HCM xếp thứ 8, nằm trong nhóm 10 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt. Tuy nhiên, chỉ số này sau đó liên tục giảm, đến năm 2019, chỉ số PCI của thành phố đứng thứ 14. Năm 2020 và năm 2021, thứ hạng này vẫn giữ nguyên.

Trước đó, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch cải thiện và khắc phục Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022.

Theo đó, TP HCM đặt mục tiêu khắc phục ngay các điểm yếu, cải thiện Chỉ số PCI trong năm 2022, tạo sự thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của TP và đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phấn đấu đưa TP vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế ở nhóm tốt.

Đồng thời, hướng đến mục tiêu năm 2025 đưa TP trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, phát triển bền vững.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại