SMBC quyết định "buông tay" Eximbank

Thu Thuỷ |

Eximbank cũng đã đồng ý "chia tay" SMBC, kết thúc "mối duyên" kéo dài 15 năm với nhiều kỳ vọng từng được đặt ra.

Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) vừa có Nghị quyết về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh với cổ đông Nhật Bản SMBC.

Cụ thể, Eximbank chấm dứt trước thời hạn đối với Thỏa thuận liên minh chiến lược ngày 27/11/2007 ký giữa SMBC và Eximbank theo đề nghị của SMBC tại Văn bản ngày 5/1/2022.

HĐQT giao Chủ tịch HĐQT tổ chức thực hiện các thủ tục ký Thỏa thuận chấm dứt Thỏa thuận liên minh này.

Trên thực tế, thông tin SMBC có ý định thoái vốn khỏi Eximbank đã xuất hiện từ giữa năm 2021. Tin đồn này càng được củng cố sau khi SMBC mua lại 49% vốn FECredit – công ty tài chính của VPBank. Giới quan sát dự đoán rằng, SMCB sẽ "buông tay" Eximbank để trở thành cổ đông chiến lược của VPBank. Hiện VPBank cũng đang tiến hành các bước lấy ý kiến cổ đông chốt room ngoại ở mức 17,5% để phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.

SMBC là cổ đông lớn nhất tại Eximbank, sở hữu hơn 185 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn cổ phần ngân hàng. Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản đã đầu tư 225 triệu USD vào Eximbank từ năm 2007 và đánh giá cao thương vụ này, bấy giờ nhận định rằng Eximbank là "một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam".

Thời gian đầu mới hợp tác, thị giá cổ phiếu EIB lao dốc nhưng SMBC vẫn được "an ủi" bằng tỷ lệ cổ tức lớn mà Eximbank dành cho cổ đông. Năm 2008, ngay sau Thỏa thuận liên minh, Eximbank trả cổ tức lên tới 82,55%, trong đó 12% bằng tiền mặt và 70,55% bằng cổ phiếu. Bốn năm sau đó, Eximbank vẫn duy trì trả cổ tức đều đặn. Hoạt động kinh doanh của Eximbank thuộc nhóm nổi trội trong hệ thống lúc bấy giờ, vốn điều lệ năm 2011 chỉ đứng sau "Big 4".

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, khi nhiều ngân hàng thương mại tư nhân bứt phá và ngày càng đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông thì Eximbank dần bị tụt lại sau bởi bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn. Những ngân hàng đứng dưới Eximbank một thời như Techcombank, VPBank,…đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành những nhà băng top đầu.

Cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản đã từng nhiều lần đề xuất thanh lọc HĐQT Eximbank. Nhưng liên tiếp ĐHĐCĐ bất thành, các nhóm cổ đông lớn vẫn không tìm được tiếng nói chung, SMBC dần tỏ ra đã "chán nản" với "cuộc chiến" tại đây.

Động thái quyết định "buông" Eximbank của SMBC cũng khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ kỳ vọng cuộc họp ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức ngày 15/2/2022 tới đây sẽ được tiến hành. Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 4/2021, theo quan sát, cổ đông SMBC không có mặt tại đại hội.

Hơn nữa, với việc đề nghị chấm dứt thỏa thuận liên minh, dường như SMBC đã tìm được đối tác để chuyển nhượng 15% vốn ở Eximbank. Câu hỏi đặt ra là ai mua và "cán cân" quyền lực sẽ nghiêng về bên nào?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại