Smartphone ngày càng đắt đỏ: Thực tế bị giấu kín trong những ảo ảnh về công nghệ

Tất Đạt |

Người tiêu dùng ngày nay chạy theo công nghệ, và đã bắt đầu quen với giá tiền đắt đỏ của smartphone. Họ quên rằng chỉ mới hơn 5 năm trước, việc chi ra hơn 10 triệu cho một chiếc điện thoại là điều xa xỉ.

Ngày nay, việc sở hữu một chiếc điện thoại smartphone không còn là điều lạ lẫm với đa số người dùng. Đặc biệt, dù mức giá khi vừa ra mắt của những chiếc flagship thường xuyên chạm mức 20 triệu đồng (tương đương 1.000 USD) tùy theo dung lượng bộ nhớ, cấu hình và phụ kiện, các sản phẩm này vẫn cháy hàng. Có vẻ như người tiêu dùng cũng đã bắt đầu quen với giá tiền đắt đỏ của smartphone và quên rằng chỉ mới hơn 5 năm trước, việc chi ra hơn 10 triệu cho một chiếc điện thoại là điều xa xỉ.

Tất nhiên, có vô số các nhà sản xuất vẫn nỗ lực tung ra nhiều điện thoại ở mức giá tầm trung để nhắm tới các khách hàng thuộc mọi phân khúc khác nhau. Tuy vậy, vẫn không thể nào phủ nhận rằng càng ngày smartphone càng đắt, và một sự thật rằng các công ty điện thoại lớn như Apple và Samsung đang hưởng mức lợi nhuận lớn chưa từng thấy.

Một nghiên cứu về dòng Galaxy S của Samsung được thực hiện trong 5 năm vừa qua cho thấy mức giá tối thiểu và mức giá trung bình của dòng sản phẩm này khi vừa được ra mắt.

Smartphone ngày càng đắt đỏ: Thực tế bị giấu kín trong những ảo ảnh về công nghệ  - Ảnh 1.

Trường giá của các sản phẩm thuộc bộ sưu tập Galaxy S của Samsung

Dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức giá của điện thoại như nhà phân phối và các chính sách bảo hành, hay những trường hợp ngoại lệ như điện thoại Galaxy S6 Edge 128GB đắt hơn Galaxy S7 Edge và S8 Plus 32GB tại thị trường châu Âu và Mỹ, thì kết luận vẫn chỉ ra mức giá trung bình đã tăng hơn 100 USD (khoảng 2 triệu đồng) trong vòng 5 năm.

Theo số liệu, trong năm 2012, giá trung bình của các điện thoại Galaxy mới rơi vào khoảng 600 USD (khoảng 12 triệu đồng), còn tới năm 2017, con số này đã tăng lên 750 USD (khoảng 15 triệu đồng).

Smartphone ngày càng đắt đỏ: Thực tế bị giấu kín trong những ảo ảnh về công nghệ  - Ảnh 2.

Mức giá trung bình của các sản phẩm di động trong giai đoạn 2012-2017.

Có thể thấy, với mức tăng 25% giá điện thoại và chỉ 10% mức lạm phát USD trong cùng khoảng thời gian, smartphone thực sự đắt hơn nhiều sau 5 năm. Nguyên do của việc tăng giá này có thể do các yếu tố tích cực dưới đây:

Phần cứng ngày càng mạnh

Với một phép so sánh nhỏ, có thể dễ dàng nhận thấy chiếc điện thoại tốt nhất của năm 2012 chẳng thể sánh bằng những sản phẩm mới được công bố gần đây của LG, Samsung hay Sony. Điện thoại không chỉ cải thiện nhiều về cấu hình, về hiệu năng mà kết cấu, chất liệu sử dụng cũng chất lượng và đắt hơn nhiều loại nhựa thường được sử dụng trước đây.

Nhiều tính năng hơn

Rõ ràng smartphone đời sau không chỉ thừa hưởng hầu hết những ưu điểm của đời trước mà còn có những tính năng ưu việt hơn rất nhiều. Quét vân tay, sạc nhanh, loa ngoài sống động, camera kép và không thể không kể tới chip mạnh hơn, bộ nhớ lớn hơn và màn hình sắc nét hơn chính là những lí do khiến giá điện thoại ngày càng cao.

Smartphone ngày càng đắt đỏ: Thực tế bị giấu kín trong những ảo ảnh về công nghệ  - Ảnh 3.

Chi phí phần cứng của các dòng máy Galaxy S.

Xét tới chi phí nguyên vật liệu của dòng Galaxy, có thể thấy một sự tăng đều về giá thành đầu vào theo từng năm. Nếu chiếc Galaxy S2 chỉ tốn 215$ tiền nguyên liệu thô, thì chiếc S6 Edge đã tốn tới 284$, tăng 32%. Thêm vào đó, bảng đánh giá này còn chưa kể tới chi phí nghiên cứu phát triển phần mềm và phần cứng cũng tăng trong cùng giai đoạn.

Về tổng thể, việc giá smartphone ngày càng đắt là chuyện dễ hiểu khi lạm phát và chi phí ngày càng leo thang.

Điện thoại tầm trung ngày càng mạnh

Với phân khúc tầm trung này, các nhà sản xuất đang cố gắng cho ra đời những điện thoại có cấu hình cao, ổn định và giá mềm hơn dòng cao cấp. Mặc dù những sản phẩm này không được cập nhật những đột phá công nghệ mới nhất, nhưng những trải nghiệm lại hoàn toàn làm hài lòng một lượng không nhỏ khách hàng trong khi giá cả lại rẻ hơn nhiều.

Nếu xét về hiệu quả chi phí thì ngày nay, với cùng một khoản tiền, người dùng có thể sở hữu những chiếc smartphone mạnh hơn ngày trước rất nhiều. Nhờ những cải tiến về công nghệ và sản xuất dây chuyền, phân khúc điện thoại này có thể đáp ứng phần nào những nhu cầu về vi xử lí, màn hình, bộ nhớ và camera mạnh mẽ, điều chưa từng được thấy 5 năm trước đây.

Smartphone cao cấp liệu có đáng tiền?

Mặc dù tâm lí chung của người tiêu dùng đều muốn điện thoại bớt đắt đỏ hơn, nhưng rõ ràng giá cả luôn đi kèm với những trải nghiệm công nghệ mới nhất, hiện đại nhất. Việc tăng giá của smartphone cũng đi cùng với nhiều tính năng được tích hợp hơn, phần cứng và phần mềm mạnh hơn.

Thêm vào đó, vì người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn, họ có xu hướng giảm nhu cầu mua dòng cao cấp của các hãng điện thoại lớn. Tăng giá thành là nhu cầu tất yếu để đảm bảo doanh thu cho các công ty này.

Chốt lại, nếu không phải là một tín đồ công nghệ hoặc quá rủng rỉnh, khách hàng vẫn luôn có thể chọn mua những dòng sản phẩm ở phân khúc tầm trung với mức giá vừa phải nhưng vẫn đáp ứng được cấu hình mạnh và các nhu cầu thường ngày của mình.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại