Trong quý III/2018, sản lượng smartphone xuất xưởng chỉ đạt 389 triệu máy, tăng vỏn vẹn 1,4% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này một phần do trên thị trường điện thoại hiện nay, người dùng có xu hướng sử dụng thiết bị lâu hơn.
Smartphone cũng không có nhiều thay đổi mang tính đột phá cả về thiết kế lẫn tính năng, khiến họ không có động lực nâng cấp máy mới theo từng năm như trước.
Hành vi tiêu dùng này đang tác động tiêu cực đến doanh số cả một số hãng như Samsung, dù nhà sản xuất này vẫn chiếm vị trí số một trên thị trường. Số lượng máy xuất xưởng của họ đã giảm tới 12,3 triệu - mức sụt giảm lớn nhất của Samsung kể từ khi Gartner bắt đầu thống kê doanh số điện thoại.
Giữa tháng 11, báo Korea Herald cho hay, ông DJ Koh, CEO phụ trách mảng di động và IT của Samsung, cũng thừa thận công ty gặp khó khăn và phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh lớn, đồng thời khẳng định "sẽ làm hết sức để vượt qua khủng hoảng nhờ Galaxy 10 và điện thoại màn hình gập".
Trong khi đa số các hãng lớn đang chững lại, thì Huawei và Xiaomi lại dường như không bị ảnh hưởng. Trong quý III/2018, họ đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục tới 43% và 23%, chiếm vị trí thứ hai và thứ bốn trên thị trường smartphone. Nắm giữ vị trí thứ ba chính là Apple.
Gartner nhận định, do người dùng có xu hướng nâng cấp smartphone chậm lại, những công nghệ mới mẻ sẽ khuyến khích họ mua máy mới trong năm 2019. Đó là công nghệ tốc độ cao 5G và màn hình uốn dẻo linh hoạt.
Dự báo đến năm 2020, số smartphone hỗ trợ 5G được xuất xưởng sẽ lên đến 65 triệu máy. Màn hình gập sẽ cần thời gian dài hơn để chinh phục thị trường nhưng cũng sẽ dần trở thành thiết bị đại trà.