Theo kết quả được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, trong phiên đấu thầu vàng miếng ngày 16/5 đã có 11 thành viên tham gia trúng thầu 12.300 lượng vàng SJC (tương đương 123 lô) trong tổng số 16.800 lượng vàng miếng chào bán. Đây là phiên có số thành viên trúng thầu và lượng vàng miếng trúng thầu cao nhất kể từ khi NHNN tiến hành đấu thầu vàng vào trung tuần tháng 4.
Danh sách các đơn vị trúng thầu không được NHNN công bố, song theo nguồn tin chúng tôi có được 11 đơn vị trúng thầu phiên 16/5 gồm các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như SJC, PNJ, DOJI, Phú Quý, Vàng bạc đá quý Asean và 6 ngân hàng là ACB,Sacombank,TPBank, Eximbank, HDBank, Techcombank.
Như vậy, tính đến nay, NHNN đã tổ chức 7 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường. Trong 7 Phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường, có 4 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng, 3 phiên còn lại không thành công do không có đủ số lượng thành viên đặt cọc và bỏ thầu.
Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 23/4/2024, đã có 2 thành viên trúng thầu với khối lượng là 3.400 lượng vàng miếng SJC. Tại Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 08/5/2024 đã có 3 thành viên trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng vàng miếng SJC. Tại Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 14/5/2024 đã có 8 thành viên trúng thầu với khối lượng 8.100 lượng. Và mới nhất là 11 thành viên trúng thầu 12.300 lượng vàng trong phiên 16/5.
Đáng chú ý, trong cả 4 phiên đấu thầu vàng miếng thành công vừa qua, Công ty SJC đều trúng thầu. Theo số liệu của NHNN, riêng 3 phiên 23/4, 8/5 và 14/5, SJC đã trúng thầu tổng cộng 6.000 lượng, tương đương hơn 40% tổng lượng trúng thầu.
"Công ty SJC đều trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng mỗi phiên. Các tổ chức khác dè dặt hơn khi tham gia đấu thầu vàng miếng từ NHNN do lo ngại rủi ro biến động giá và không có lượng khách hàng đến mua vàng miếng SJC như tại Công ty SJC", NHNN cho hay.
Tại họp báo kinh tế xã hội TP.HCM chiều 16/5, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, do đặc thù của doanh nghiệp kinh doanh vàng là khi mua về phải bán ngay nên tất cả số lượng vàng đấu thầu thành công phải bán liền cho người dân, nhằm đảm bảo nguồn cung cho người dân và tránh thua lỗ về phía doanh nghiệp. Công ty cũng cho biết sẽ tham gia các phiên đấu thầu tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước.
"Nhiều doanh nghiệp vàng có thể không bán nhưng SJC buộc phải bán cho mỗi người 1 lượng để có nguồn cung ra thị trường. Không bao giờ có chuyện khách đến mua mà không bán, đến bán mà không mua", bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, kể từ năm 2012, khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đến nay, SJC không được sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên kiện.
"Công ty là doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý đơn thuần và chỉ được gia công vàng móp. Tất cả hoạt động liên quan tới vàng miếng SJC đều được quản lý bởi chi nhánh Ngân hàng Nhà nước", bà Hằng khẳng định.
Bà Hằng cũng cho biết, Nghị định 24/2012 ra đời đã làm rất tốt vai trò và rất thành công. Tuy nhiên, bà đề xuất nên xóa bỏ độc quyền vàng miếng trong Nghị định vì độc quyền vàng không mang lại lợi ích cho SJC hay cá nhân, tập thể nào cả.
"SJC cũng như Ngân hàng Nhà nước không nhận được lợi ích gì từ biến động giá vàng, chênh lệch giá vàng thế giới", Tổng Giám đốc SJC nhấn mạnh.
Bà Hằng dẫn chứng thêm trước năm 2012 - thời điểm Nghị định 24 ra đời, vốn sở hữu của doanh nghiệp là 400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau 2012, mức lãi sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng.
Bà Hằng thông tin thêm, việc SJC không được nhập nguyên liệu và không được dập vàng miếng SJC dẫn tới cầu vượt cung. Bà Hằng đề xuất cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh vàng được dập vàng miếng, giúp đa dạng nguồn cung. Khi đó, người dân dựa vào uy tín, thương hiệu doanh nghiệp để lựa chọn mua sản phẩm.