Siro ho đã huỷ hoại giới trẻ Nigeria thế nào?

Anh Khoa (TH) |

Theo thống kê tính đến tháng 5/2017, siro ho chứa codeine được sản xuất bởi 20 công ty dược phẩm tại Nigeria.

Siro ho chứa codeine là sản phẩm chứa chất gây nghiện được tiêu thụ nhiều nhất trong thanh thiếu niên Nigeria và gây nghiện, huỷ hoại giới trẻ nước này. Bất chấp các biện pháp của chính phủ, siro chứa codeine vẫn ngày đêm được buôn lậu vào quốc gia Tây Phi.d Ó 

Lạm dụng dược phẩm chứa chất gây nghiện

Siro ho đã huỷ hoại giới trẻ Nigeria thế nào? - Ảnh 1.

Nhà báo Ruona Meyer đã dấn thân điều tra về tình trạng buôn lậu siro ho chứa codeine.

Chứng kiến em trai nghiện siro ho, Ruona Meyer, phóng viên BBC tại Nigeria, bắt đầu âm thầm điều tra những người đàn ông sản xuất và bán thuốc chứa codeine (một dạng chất gây nghiện) trên đường phố Thủ đô Lagos, Nigeria. Cuộc điều tra dẫn dắt nữ phóng viên thâm nhập sâu vào thế giới tội phạm ngầm và phát hiện tệ nghiện ngập đang huỷ hoại giới trẻ nước này.

Theo phóng sự điều tra được BBC công bố từ năm 2018, Ruona Meyer đã đến thăm và trò chuyện với cô bé Janid Hassan, 14 tuổi, nghiện uống siro ho chứa codeine. Cha mẹ em vô cùng tuyệt vọng và không biết làm thế nào để giúp con cai nghiện.

Những câu chuyện, những bí mật mà Hassan chia sẻ là “cánh cửa” giúp Ruona Meyer tiến sâu hơn vào thị trường đen tối này và phơi bày ra ánh sáng qua phóng sự trên BBC.

Bên trong những ngôi trường phổ thông tại Thủ đô Lagos, Nigeria, học sinh chuyền tay nhau những chai siro điều trị đau họng. Chúng có vị như dâu tây và chứa một chất nguy hiểm gọi là codeine.

Giống như các dạng thuốc phiện khác, codeine chứa thành phần hoá chất gần giống với herione. Đây là một loại thuốc giảm đau và điều trị ho hiệu quả nhưng cũng có khả năng gây hưng phấn nếu tiêu thụ số lượng lớn.

Việc sử dụng codeine quá mức có thể dẫn đến tổn thương nội tạng, tàn phá tâm trí. Nguy hiểm hơn, nếu lạm dụng siro ho chứa codeine, người dùng có thể mắc chứng rối loạn tâm thần với các biểu hiện như ảo giác, co giật, thậm chí dẫn đến tâm thần phân liệt.

Đau buồn, trầm cảm hay mong muốn được thử những điều mới mẻ là lý do khiến giới trẻ Nigeria mê mẩn loại thuốc này. Ngoài ra, siro ho được bán tràn lan trong các hộp đêm hay ngay trên đường phố Lagos nên thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua được. Những con nghiện trẻ tuổi uống thẳng từ chai siro hoặc pha trộn với nước ngọt.

Đến khi thanh thiếu niên lún sâu vào cơn thèm và dần mất kiểm soát, cha mẹ họ không còn cách nào khác ngoài đưa con vào những trung tâm cai nghiện. Trung tâm Phục hồi chức năng Dorayki, bang Kano, là một ví dụ điển hình.

Ông Sani Usaini, sĩ quan phụ trách Trung tâm Phục hồi chức năng Dorayki, cho biết: “Một thanh niên đã tìm cách trốn thoát khỏi trung tâm, lao ra đường và đập vỡ kính ôtô của người dân đang tham gia giao thông. Trong quá trình cai nghiện, anh ta không thể giữ nổi bình tĩnh và gần như phát điên”.

Theo ông Sani, thanh niên này không thể nằm trên giường vì đã làm gãy giường khi cơn nghiện bộc phát. Anh ta cũng đập vỡ cửa sổ và tự làm mình bị thương khi tìm cách trở lại với “nguồn sống” là siro ho.

Tại Trung tâm Phục hồi chức năng Dorayki, các bác sĩ điều trị cho người nghiện codeine ở nhiều mức độ khác nhau. Có những thanh niên đã phát điên và quẫn trí vì ma tuý. Họ đeo gông ở mắt cá chân và bị xích vào những thân cây to lớn. Trong cơn thèm thuốc đến cùng cực, họ la hét, vẫy vùng và tuyệt vọng.

Không khí thoang thoảng mùi phân và tiếng ruồi vo ve. “Rất nhiều cha mẹ đến thăm con và chỉ biết khóc”, ông Sani chia sẻ.

Buôn bán bất hợp pháp

Siro ho đã huỷ hoại giới trẻ Nigeria thế nào? - Ảnh 2.

Siro ho chứa codeine được buôn bán tràn lan tại Nigeria.

Tình trạng trên cũng được ghi nhận tại Trung tâm Nghiên cứu và Thông tin về Lạm dụng chất gây nghiện Nigeria (CRISA), tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về ma tuý, rượu cũng như phòng ngừa và điều trị việc lạm dụng chất gây nghiện.

Kể từ khi được thành lập vào năm 2016, trung tâm này ghi nhận gần 500 người sử dụng ma tuý. 1/4 trong số đó là người nghiện codeine. Họ đã nhận được sự hỗ trợ và tư vấn tâm lý xã hội từ CRISA.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tổ chức này, vì xã hội kỳ thị những người lạm dụng ma tuý, chỉ một sốt ít người nghiện đến trung tâm để điều trị. Hầu hết trong số họ phải được người thân thuyết phục hoặc ép buộc đến đây.

Do đó, để khuyến khích người nghiện tham gia quá trình điều trị, CRISA đã xây dựng tổ nhân viên tiếp cận cộng đồng. Họ sẽ ra ngoài đường phố, trò chuyện với những người sử dụng ma tuý và động viên họ đến trung tâm. CRISA đồng thời kết nối chặt chẽ với phụ huynh để nhờ họ động viên, đưa con cái đến cai nghiện.

Kể từ năm 2018, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma tuý và Tội phạm (UNODC) đã cảnh báo Chính phủ Nigeria rằng ngày càng nhiều thanh niên nước này lạm dụng việc tiêu thụ các dược phẩm chứa chất gây nghiện như codeine và tramadol. UNODC lưu ý rằng dược phẩm chứa hai chất trên cũng là những loại thuốc được sử dụng nhiều nhất tại Nigeria.

Theo thống kê tính đến tháng 5/2017, siro ho chứa codeine được sản xuất bởi 20 công ty dược phẩm tại Nigeria. Trên thực tế, việc uống hoặc sản xuất siro ho chứa codeine không phải hành vi bất hợp pháp.

Tuy nhiên, việc bán thuốc cho người dùng không theo đơn của bác sĩ hoặc những đối tượng không có giấy phép kinh doanh dược phẩm là trái với luật pháp Nigeria. Vì lẽ đó, việc tiêu thụ siro ho chứa codeine tại Nigeria được thực hiện một cách tràn lan nhưng kín đáo.

Làm việc cho Bioraj Pharmaceuticals, hãng dược phẩm được cấp phép sản xuất siro ho chứa codeine có tên gọi thương mại là “Biolin”, ông Hussan, còn gọi là Baba Ibeji, tiết lộ: Ngay cả khi ai đó muốn mua 1.000 thùng thuốc siro ho, chúng tôi cũng không đưa cho họ biên lai. Điều này giúp chúng tôi không bị chính quyền phát hiện.

Theo ông Hussan, việc buôn bán như vậy đi ngược lại với chính sách của công ty Bioraj nhưng góp phần thúc đẩy việc điều chế siro ho. Đó đồng thời là lý do tại sao siro ho lại xuất hiện tràn ngập trên thị trường chợ đen.

Tương tự Bioraj, Emzor Pharmaceuticals là công ty dược phẩm sản xuất siro ho có tên gọi Emzolyn. Chukwunonye Madubuike, giám đốc điều hành phát triển kinh doanh của công ty, là một trong số nhiều đối tượng bán bất hợp pháp siro ho ra thị trường đen.

Trong phóng sự điều tra của BBC, Madubuike từng tiết lộ: “Khi ai đó nghiện một thứ gì và cần nó, tôi cho rằng giá cả không phải là vấn đề. Đây (chỉ siro ho) là sản phẩm mà tôi biết rằng nếu tôi sở hữu một triệu thùng, tôi có thể bán nó chỉ trong vòng một tuần”.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, ban lãnh đạo công ty Emzolyn đã nhận trách nhiệm và cam kết xem xét lại chính sách phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, dù không có Emzolyn, ở đâu đó ngoài kia, các công ty dược phẩm khác vẫn đang “tuồn” siro ho ra thị trường chợ đen một cách bất hợp pháp.

Vượt tầm kiểm soát

Siro ho đã huỷ hoại giới trẻ Nigeria thế nào? - Ảnh 3.

Người dùng có thể uống trực tiếp hoặc pha siro với nước ngọt.

Trong khi đó, tại bang Kano, phía Bắc Nigeria, Cơ quan phòng chống Ma tuý Nigeria (NDLEA) đã dẫn đầu nhiều cuộc truy quét và thu giữ, tiêu huỷ hàng tấn siro chứa codeine trên đường phố. Họ cũng thu được nhiều vũ khí mà băng đảng tội phạm sử dụng để bảo vệ công việc kinh doanh như dao, kiếm..., thậm chí là cưa máy.

Dù vậy, cơ quan này thừa nhận đang phải vật lộn để đối phó với những phi vụ mua bán siro trái phép quy mô lớn. Chính phủ Nigeria ước tính mỗi ngày có tới 3 triệu chai siro chứa codeine được tiêu thụ ở hai bang Kano và Jigawa.

Ông Hamza Umar, người đứng đâu NDLEA tại Kano, cho biết: Chúng tôi có thể chưa thu giữ được 10% lượng siro ho tiêu thụ trên thị trường. Loại thuốc này đang được phổ biến đến mọi tầng lớp, bất kể trình độ hay giàu nghèo, từ người có học đến người mù chữ, từ người ăn xin đến đứa trẻ mới biết đi.

Sau khi phóng sự của BBC được phát, Bộ trưởng Y tế Liên bang Nigeria, Issaac Adewole, tuyên bố: “Bộ đã chỉ đạo Hội đồng Dược sĩ Nigeria (PCN) tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động đối với các hiệu thuốc, cửa hàng và đại lý cung cấp thuốc trên cả nước. Chúng tôi cũng tiếp tục kiểm soát việc điều trị cho bệnh nhân bằng các loại thuốc chứa thành phần gây nghiện”.

Nigeria cũng đã ban hành lệnh cấm buôn bán và tàng trữ codeine. Tuy nhiên, lệnh cấm có thể không đủ để ngăn chặn trận dịch nghiện ma tuý trên cả nước, đặc biệt khi siro vẫn đang được buôn lậu vào nước này.

Vào cuối tháng 7/2018, chỉ 2 tháng sau khi lệnh cấp được triển khai, Bộ chỉ huy Hải quan Nigeria tại Lagos đã thu giữ 498 thùng vận chuyển trái phép. Mỗi thùng chứa 200 chai siro ho có codeine được nhập khẩu từ Vương quốc Anh.

Cơ quan an ninh nước này cũng bày tỏ lo ngại siro ho đang được đưa vào đất nước thông qua đường biên giới, tương tự như các loại ma tuý và hàng lậu khác.

Trở lại Trung tâm Phục hồi chức năng Dorayki, mỗi ngày ông Usaini duy trì việc đo lường quy mô của trận dịch bằng số lượng thanh niên nghiện siro được chăm sóc. Trước đây, ông bắt gặp 2 đến 3 trường hợp mỗi tuần, nhưng giờ đây, trung tâm tiếp nhận 7,8, đôi khi là 10 trường hợp chỉ trong 7 ngày. Bất kỳ đứa trẻ nào được bố mẹ đưa đến trung tâm đều nghiện ma tuý, cụ thể là codeine.

Trong một căn phòng không có cửa sổ, vẫn còn run rẩy sau 2 tháng cai nghiện, một nữ sinh 16 tuổi giấu tên tiết lộ thường lấy siro từ bạn trai và uống sau giờ học.

Giờ đây, khi ở trong hoàn cảnh khổ cực này, em muốn gửi thông điệp đến cho thanh thiếu niên tại Nigeria rằng: “Xin đừng lao vào dùng siro ho nếu các bạn chưa từng thử nó. Nếu bạn làm thế, nó sẽ huỷ hoại cuộc đời bạn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại