Đi xin việc khi mới ra trường, sẽ thật may mắn nếu bạn có mối quan hệ với nhà tuyển dụng bởi đây sẽ là điểm cộng để bạn được họ chú ý và cân nhắc dù rằng đây không phải là tất cả để các doanh nghiệp đánh giá và lựa chọn ứng viên.
Thế nhưng đôi khi chính những mối quan hệ sẵn có trước đó lại tạo nên những điều oái oăm cho những nhân viên mới.
Mới đây, trong một nhóm chia sẻ việc làm thu hút đông đảo giới trẻ, một cô gái vừa tốt nghiệp và tìm việc đã gặp phải một tình huống nan giải, phải nhờ đến sự trợ giúp của cộng đồng mạng.
Theo đó, cô bạn chia sẻ, sau khi được nhận vào làm tại một công ty về Digital Marketing, cô gái đã gặp ngay người quen cũ của mình và hiện tại là leader của bộ phận. Tuy nhiên mối quan hệ quen biết này không mấy vui vẻ cho lắm.
Được biết trưởng bộ phận này từng là gia sư dạy Tiếng Anh của chủ nhân câu chuyện cách đây nhiều năm. Thời ấy, tính hiếu động của một đứa trẻ như cô bạn từng khiến người dạy học cho mình phải đau đầu.
(Ảnh minh họa)
Nguyên văn câu chuyện như sau:
Khi phỏng vấn mình đã nhận ra chị leader team là gia sư Tiếng Anh của mình hồi lớp 8. Mình đã nghĩ chị ấy không nhận ra mình đâu, cho dù có nhận ra thì những vấn đề thuộc phạm trù cá nhân cũng chẳng thể ảnh hưởng đến mình nếu mình làm việc tốt.
Sau 6 tuần, mình cảm thấy mọi thứ trong công việc đều ok, còn khi kết thúc công việc thì chị ấy tỏ ra bình thường, nhưng khá lạnh nhạt không thân thiện với mình.
Mình thừa nhận hồi đó mình là một đứa trẻ trâu chính hiệu, căm ghét Tiếng Anh và gây khó dễ cho chị ấy khi dạy mình học. Kỉ niệm không mấy vui vẻ gì, và đến giờ mình vẫn nhớ vì hối hận. Đổi lại là mình, nếu hồi sinh viên mà đi gia sư mà gặp đứa học sinh như vậy thì chắc mình khó tránh có ác cảm với nó lắm.
Tuy nhiên thì đã gần chục năm trôi qua rồi. Mình thật sự không rõ là chị ấy có nhớ mình không vì chị ấy không thể hiện gì nhiều. Mình rất muốn tạo dựng mối quan hệ tốt nhưng lại không biết có nên nhắc lại chuyện cũ hay cư xử như bình thường? Xin hãy cho mình lời khuyên với.
(Ảnh minh họa)
Đúng là khi chúng ta bước vào độ tuổi 13-14, bắt đầu quá trình dậy thì, mỗi người sẽ có những nổi loạn riêng trong tính cách, bắt đầu ương ngạnh và hiếu thắng hơn. Do vậy, không ít lần điều này làm bố mẹ, thầy cô phải đau đầu.
Càng lớn càng suy nghĩ chín chắn hơn, khi nhớ lại quãng thời gian đã qua ta mới nhận ra mình đã từng có lúc "trẻ trâu" đến thế và đôi khi chính điều ấy gây ảnh hưởng không tốt đến những người xung quanh.
Câu chuyện bản thân từng là một thiếu niên ngỗ nghịch và không nghe lời không phải là hiếm gặp nhưng để rơi vào tình huống như chủ nhân đoạn chia sẻ trên quả là hy hữu. Đến nay, cô nàng đã không còn là một đứa trẻ học lớp 8 ngày nào và đã trở thành một cô gái văn phòng chính hiệu, thế nhưng đoạn ký ức về tuổi thơ vẫn còn đó. Nhiều cư dân mạng đã mách nước cho cô gái xử lý tình huống mà mình gặp phải:
"Theo kinh nghiệm đứng lớp của mình thì mình vẫn nhớ chuyện cũ. Có lẽ chị ấy muốn né cục ác cảm để yên tâm làm việc nên tốt nhất là tìm dịp xin lỗi chị ấy nhé!"
"Nếu là học trò cũ của mình nhưng bây giờ thành công thì ít nhiều mình sẽ thấy vui lắm (dù hồi đó có cực thật). Nói chung là không phải mối quan hệ tệ gì đâu bạn cứ làm tốt công việc của mình, chờ lúc nào thuận tiện thì bắt chuyện hỏi thôi!"
"Lúc đấy bạn mới lớp 8 thôi, đâu biết như thế nào là cư xử đúng mực. Quan trọng là hiện tại bạn như thế nào thôi. Nhưng nói thật, mình nghĩ chuyện qua nhiều năm như vậy rồi, dù chị ấy nhớ thì mình nghĩ cũng không phản ứng quá gay gắt đâu!"