Sinh viên ngồi nhầm chỗ vì chạy theo ngành "hot"
Đứng trước ngưỡng cửa đại học, nhiều thí sinh bối rối vì không biết nên lựa chọn ngành theo sở thích hay chọn ngành "hot", dễ xin việc.
Trước những băn khoăn này, ông Trương Ngọc Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thăng Long cho hay, việc lựa chọn ngành học cần phải dựa trên nhiều yếu tố như sở thích, đam mê của bản thân, năng lực của bản thân và khả năng tài chính của gia đình…
Theo ông Kim, việc thí sinh lựa chọn ngành "hot" không sai, nhưng nếu ngành đó không phù hợp với năng lực, sở thích cũng có thể làm người học cảm thấy "dường như đang ngồi nhầm chỗ".
Ngược lại, nếu ngành nghề yêu thích không phải ngành "hot", nhưng người học giỏi chuyên môn (dù chuyên môn đó rộng hay hẹp) và luôn cập nhật với xu thế chung thì sẽ luôn "có đất dụng võ".
"Lựa chọn ngành học là một trong những quyết định lớn của cuộc đời, do đó thí sinh cần cân nhắc thận trọng, tránh trường hợp cảm tính và tuyệt đối hóa một tiêu chí nào đó.
Chẳng hạn, nếu lựa chọn ngành "hot", thí sinh dễ rơi vào tình trạng hùa theo đám đông và e sợ mình sẽ vụt mất cơ hội vào một ngành "hot". Từ đó các em không tỉnh táo để cân nhắc kỹ lưỡng, tìm hiểu những vấn đề khác như: Có bao nhiêu trường đang đào tạo ngành này? Mình sẽ phải cạnh tranh với bao nhiêu người khi ra trường? Nhu cầu tuyển dụng có lớn tới mức tiếp nhận được nguồn cung người học lớn như vậy? Ngành nghề này liệu có bão hòa hay không?", ông Kim nói
Phó Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thăng Long Trương Ngọc Kim cho biết thí sinh cần tìm ra sở thích, điểm mạnh của mình để chọn ngành học phù hợp.
Do đó, theo ông Trương Ngọc Kim, thí sinh cần tìm ra sở thích, thế mạnh, năng khiếu của bản thân, đánh giá tiềm năng thị trường việc làm, từ đó nghiêm túc xác định nghề nghiệp tương lai.
"Cần phải xác định được đâu là sở thích nhất thời, mang tính giải trí hay đủ lớn để trở thành nghề nghiệp cần theo đuổi. Sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra nếu thí sinh muốn lựa chọn ngành nghề dựa theo sở thích cá nhân", ông Trương Ngọc Kim nói.
Chọn ngành ra sao khi chưa biết mình muốn gì?
Đây là một câu hỏi khó khi chưa có một chương trình hướng nghiệp quy mô và bài bản trong các trường phổ thông hiện nay.
Tuy nhiên, trong trường hợp chưa biết mình muốn gì, thí sinh có thể ngồi lại phác ra một vài điểm về sở trường và sở đoản của bản thân, từ đó mạnh dạn lựa chọn những ngành nghề phù hợp với sở trường đó.
Chẳng hạn bạn có năng khiếu về ngôn ngữ, những ngành học tiếng nước ngoài sẽ là một cơ hội tốt. Còn nếu có năng khiếu về hội họa, bạn có thể lựa chọn những ngành mỹ thuật và thiết kế. Hay nếu có năng khiếu về viết và ăn nói, bạn có thể lựa chọn các ngành về truyền thông hoặc marketing…
Trường hợp bạn là người thích đủ thứ và chưa biết chọn gì, hãy ghi lại những điều mà mình thích, sau đó đánh dấu sao cho những điều yêu thích nhất. Suy nghĩ nghiêm túc về từng ngành nghề, bạn sẽ có lựa chọn đúng đắn cho bản thân.
Sinh viên Đại học Thăng Long ngồi học trên sân trường
Ngoài việc chọn ngành thì việc quan trọng không kém là lựa chọn một trường đại học chất lượng. Trường đào tạo có tính ứng dụng cao, có tầm nhìn thời đại, giáo trình cập nhật, đội ngũ giảng viên tâm huyết và cơ sở vật chất hiện đại phục vụ tối đa cho việc học. Đó cũng chính là tôn chỉ mà ĐH Thăng Long theo đuổi.
"Các em đang ở tuổi đẹp nhất của đời người nên hãy lựa chọn con đường để mình phát triển rực rỡ nhất. Hãy chọn một ngành phù hợp với năng lực, yêu thích, theo xu hướng của thời đại và chọn một môi trường văn minh, nơi các em được học tập, rèn giũa một cách đúng nghĩa. Khi ra trường, các em trở thành những chiến binh, có thể đương đầu với các đòi hỏi của công việc, khi đó, các em sẽ dễ dàng có được công việc với thu nhập tốt", Phó Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thăng Long Trương Ngọc Kim đưa ra lời khuyên.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Bá Phong (Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghiệp Vinh) cho rằng, khi lựa chọn nghề nghiệp phải hướng vào bên trong – tức dựa theo xu hướng, tính cách của bản thân thay vì lựa chọn theo cảm tính.
Để lựa chọn ngành nghề phù hợp với tính cách, theo ThS Phong, người học có thể làm một bài test khoa học để khám phá xem mình có xu hướng tính cách nào, thông qua đó lựa chọn được ngành nghề phù hợp.
Khi đã chọn được ngành học phù hợp, cần phải họn trường phù hợp dựa trên 4 yếu tố: Trường đại học phải thực làm. Trường phải đào tạo theo vị trí việc làm mà các doanh nghiệp đang thông báo tuyển dung, không phải đào tạo theo chuyên ngành chung chung.
Trường đó cũng phải tạo điều kiện cho sinh viên đi làm ngay từ kỳ II năm nhất và trường nên có doanh nghiệp ngay trong trường để sinh viên có điều kiện thực tập.
"Chỉ khi chọn được ngành nghề phù hợp, mình mới cảm thấy đam mê, thăng hoa với nghề và hạnh phúc. Việc chọn nghề dựa trên độ ‘hot’ hay dễ xin việc đều chỉ là tầm nhìn ngắn hạn", ThS Phong nói.