Nhóm nghiên cứu từ Đại học Washington (Mỹ) đã phát hiện đáng kinh ngạc khi họ đào sâu xuống mặt băng vĩnh cửu và tìm ra một "thế giới bị mất".
Thế giới bí hiểm này nằm trong thứ gọi là cryopeg, được các nhà khoa học ví như một ngôi mộ lớn, hoàn toàn niêm phong những thứ bên trong suốt 50.000 năm nay.
Vào 50.000 năm trước, trong kỷ băng hà cuối cùng, nước biển rút xuống, đáy biển đóng băng tạo nên những cryopeg, nơi nước biển cổ đại mang theo một số vi sinh vật bị "chôn sống". Gọi là nước biển nhưng nó có nồng độ muối tới 14%, đủ để giết chết mọi sinh vật (các đại dương bình thường có nồng độ muối trung bình 3,5%). Độ mặn này là một trong những lý do giúp nước biển cổ đại còn tồn tại ở thể lỏng.
Thế nhưng, một cách khó tin, vô số vi sinh vật đã sinh sôi thành một cộng đồng đông đúc ngay trong ngôi mộ đầy nước biển cực mặn này, trong điều kiện cách biệt với ánh sáng và mọi nguồn sống từ thế giới bên trên. Hay nói đúng hơn, chúng đã sống trong điều kiện mà mọi sinh vật khác chúng ta từng biết đến trên trái đất không thể sống nổi.
Đường vào "mộ băng" - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
"Các điều kiện khắc nghiệt ở đây không chỉ là nhiệt độ dưới 0, mà còn là nồng độ muối rất cao" – nhà sinh vật biển Jody Deming, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định.
Theo nhà hải dương học Zachary Cooper và cũng là tác giả chính của nghiên cứu, các điều kiện nói trên rất giống với các biển, hồ ngầm mà các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết bên dưới bề mặt Sao Hỏa và "mặt trăng sự sống" Titan của Sao Thổ.
Để giữ được trạng thái lỏng với nhiệt độ rất lạnh so với trái đất, các biển, hồ ngầm ngoài hành tinh phải rất mặn như trong ngôi mộ băng giá này.
Vì vậy, việc nghiên cứu mộ băng sẽ hé lộ nhiều lời chỉ dẫn giúp các nhà khoa học nhắm đúng hướng trong cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.
Để khai quật ngôi mộ băng giá này, các nhà khoa học phải chui xuống sâu 3,5 m dưới lòng đất rồi tiếp tục bò dọc theo một đường hầm băng tối và cực lạnh.
(Theo Science Alert, Sputnik)