Một nhà khoa học mang mặt nạ phòng độc khi nghiên cứu thực địa tại hồ núi lửa "tử thần", nơi có một đàn sinh vật quái dị đang sống khỏe - Ảnh: Justin Wang
Chúng ta vẫn hay tìm kiếm các hành tinh sở hữu các điều kiện phù hợp với dạng sự sống phổ biến trên Trái Đất - như chúng ta và các loài vật phổ biến quanh ta. Nhưng nghiên cứu mới từ Đại học Colorado ở Boulder (Mỹ) cho thấy có vẻ như chúng ta đang tự thu hẹp hành vi tìm kiếm.
Theo Daily Mail, ở hồ núi lửa cạnh núi lửa Poás ở Costa Rica, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng đàn vi khuẩn sống khỏe trong... nước sôi có tính axit cao, đầy kim loại độc hại. Các sinh vật quái dị này cho thấy những khái niệm "nhiể độ phù hợp với sự sống", "môi trường phù hợp với sự sống"... chỉ mang tính tương đối.
Nhà nghiên cứu Justin Wang, tác giả chính, cho biết các sinh vật cực đoan họ tìm thấy đã phát triển một loạt các yếu tố thích nghi. Không những tồn tại được trong môi trường chết chóc, chúng còn "ăn" theo cách không tưởng: tạo ra năng lượng bằng cách sử dụng lưu huỳnh, sắt và asen!
Môi trường hồ nước độc hại như trên đã từng được xác định ở Sao Hỏa, là các hồ cổ xuất hiện từ khi hành tinh còn sơ khai. Do đó việc tìm kiếm hóa thạch sinh vật Sao Hỏa có vẻ không phải chuyện viễn tưởng. Một trong những nơi sở hữu điều kiện này là Jezero Crater, nơi chiếc rover thám hiểm Sao Hỏa bền bỉ của NASA đang lang thang.
Nghiên cứu còn tiết lộ các sinh vật cực đoan này đã khôn khéo "di tản" đến rìa hồ mỗi khi có vụ phun trào đang xảy ra, cũng như phát triển một loạt các gene giúp chúng thích nghi với những thứ mà hầu hết sinh vật trên địa cầu không chịu nổi.
Phát hiện này sẽ mở rộng phạm vi tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh cho các nhiệm vụ tương lai: có vẻ như giới hạn "vùng sự sống" Goldilocks của các hệ sao trong phạm vi có nhiệt độ phù hợp với sinh vật Trái Đất là một điều sai lầm, việc chỉ tìm kiếm các dấu hiệu hóa học của những thứ thích hợp với dạng sống phổ thông cũng là thiếu sót lớn.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Astronomy and Space Sciences.