Theo nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research, "thủy quái" này là một loài thuộc nhóm sinh vật gọi là mosasaur, tức "ngư long", một nhóm bò sát đã tuyệt chủng sau thảm họa tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái Đất. Có thể nói chúng thực sự là một loài khủng long, nhưng không đi trên mặt đất như các bò sát hiện đại mà thống trị biển khơi, nên còn được gọi là "thằn lằn cá".
Chân dung sinh vật mới được phát hiện, là một nỗi kinh hoàng của biển khơi kỷ Phấn Trắng - Ảnh: Andrey Atuchin.
Phân tích của nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi tiến sĩ Nick Longrich (Anh), nhà cổ sinh vật học từ Trung tâm Tiến hóa Milner thuộc Đại học Bath (Anh) cho thấy sinh vật này thuộc về một loài hoàn toàn mới, bởi không trùng khớp với dữ liệu về bất cứ ngư long nào từng được khai quật trên khắp thế giới. Người ta đã đặt cho nó tên khoa học là Xenodens calinechari.
Theo Sci-News, Sinh vật mới có kích thước bằng một con cá heo nhỏ, là một kẻ săn mồi cực kỳ nguy hiểm với hàm răng sắc như dao y hệt cá mập ngày nay, thân hình cũng tương tự cá mập nhưng không có vây lưng, bộ da được mô tả với những khoang vằn vện đáng sợ.
The North Africa Post cho biết ước tính hóa thạch này khoảng 69 triệu tuổi, ra đời trong giai đoạn hoàng kim của loài khủng long. "Xenodens calinechari là bằng chứng về sự đa dạng cổ sinh vật phi thường ở Biển Phosphate, Morocco" - tiến sĩ Nour-Eddine Jalih từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia ở Paris (Pháp), thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định.