Cổ khuẩn kỳ lạ của Trái Đất đã tạo ra thứ là thay đổi thế giới: POOM - Ảnh: MIT News
Công trình đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ), cho thấy một sự tương tác ma quái giữa vi khuẩn sơ khai và trầm tích đã "giải cứu Trái Đất ".
Nhà nghiên cứu Daniel Rothman từ Khoa Khoa học Trái Đất, khí quyển và hành tinh (EAPS) của MIT và các cộng sự đã tạo nên các mô hình dựa trên quá trình thay đổi môi trường của Trái Đất và chỉ ra một hiện tượng kỳ lạ, liên quan đến quá trình vi khuẩn oxy hóa chất hữu cơ trong tự nhiên dùng làm năng lượng sống.
Nếu vi khuẩn sở hữu khả năng chỉ oxy hóa một phần chất hữu cơ, thì chất bị oxy hóa một phần - gọi là POOM - sẽ liên kết hóa học với các khoáng chất trong trầm tích lắng đọng ở các đại dương, theo cách bảo vệ vật liệu khỏi bị oxy hóa thêm.
Nhờ lớp "áo giáp" POOM kỳ thú này, lượng oxy lẽ ra đã được tiêu thụ để phân hủy hoàn toàn vật liệu sẽ được tự do tích tụ trong khí quyển, tạo nên một máy bơm oxy tự nhiên để giúp bầu khí quyển ngày một dễ thở.
Để xác nhận lần nữa sự hiện diện của POOM, các nhà khoa học đã thực hiện phân tích phát sinh loài để truy tìm những dữ liệu về cổ khuẩn thông qua chính vi khuẩn hiện đại. Và họ đã xác định được gene của một enzyme tên là monooxygenase (BVMO), liên quan đến khả năng oxy hóa một nửa các vật liệu hữu cơ.
Họ phát hiện ra rằng sự đa dạng hóa của gene, hoặc số lượng loài có được gene đã tăng lên đáng kể khi bầu khí quyển trải qua sự tăng vọt về oxy bao gồm GOE trong đại Cổ Sinh và một sự kiện nhỏ hơn trong đại Nguyên Sinh.
Như vậy, chính những cổ khuẩn kỳ lạ, khó lý giải và tồn tại theo cách không một sinh vật Trái Đất nào sau đó từng tồn tại, đã góp phần cho các sinh vật cấp cao hơn, bao gồm chúng ta được ra đời.
Bằng chứng về các sinh vật sống ở Trái Đất sơ khai ngột ngạt, khó thở, thù địch cũng là dữ liệu quan trọng để các nhà khoa học tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên các hành tinh non trẻ khác: sinh vật ngoài hành tinh không nhất thiết là những loài cần có oxy và các điều kiện môi trường, nguồn thức ăn như chúng ta và các loài hiện đại khác.