Du khách đi bộ qua Merlion tại Vịnh Marina vào ngày 18/7/2021, một ngày trước khi Singapore siết chặt lại các hạn chế phòng dịch. Ảnh: AFP
Những khu chợ dân sinh, trung tâm mua bán, quán cà phê ở Singapore lại trở nên yên tĩnh sau khi các quy định hạn chế chặt chẽ hơn nhằm phòng dịch COVID-19 được khôi phục hôm 22/7, trong bối cảnh tỉ lệ các ca lây nhiễm cộng đồng cao nhất trong 11 tháng. Diễn biến này được các cơ quan y tế Singapore cho là “một bước lùi lớn” cho các kế hoạch mở cửa lại đất nước.
Chưa phải lúc để mạo hiểm
Mặc dù đã đạt được những bước tiến trong chiến dịch vaccine với tỉ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực, nhưng mối đe dọa lây nhiễm biến thể Delta đã khiến Singapore phải áp dụng lại các hạn chế từ tháng 5 và tháng 6, cấm ăn uống tại nhà hàng, đóng cửa các địa điểm trong nhà như phòng tập thể dục và hạn chế tụ tập từ hai người trở nên ở nơi công cộng.
Sau khi ghi nhận rất ít ca lây nhiễm ở địa phương trong những tuần gần đây, các ca nhiễm mới đã bùng phát trở lại, chủ yếu từ các quán karaoke và cảng cá, rồi nhanh chóng lan qua các chợ hải sản nơi người cao tuổi thường tới mua bán. Đây là nhóm dân số được ưu tiên tiêm phòng sớm nhưng mức độ tiếp nhận lại thấp nhất trong số các nhóm tuổi đủ điều kiện tiêm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung hôm 21/7 cho rằng cần phải có những biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn để ngăn chặn “sự gia tăng không thể kiểm soát các ca nhiễm, có thể dẫn đến nhiều ca bệnh nặng, thậm chí tử vong” ở những người cao tuổi không được tiêm chủng. Ông Ong nói rằng hơn 200.000 cư dân Singapore trên 60 tuổi vẫn chưa được chủng ngừa COVID-19.
Người dân chờ bên ngoài phòng khám để tiêm vaccine COVID-19 ngày 24/6/2021 ở Singapore. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Ong, cũng là đồng chủ tịch lực lượng đặc trách COVID-19 của Singapore, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy bây giờ không phải là lúc để mạo hiểm tất cả”. Ông cũng đề cập đến mục tiêu của thành phố là có 2/3 dân số được tiêm chủng COVID-19 trước ngày 9/8, khi Singapore kỷ niệm quốc khánh. Cho đến nay, hơn 50% dân số 5,7 triệu người của đảo quốc đã được chủng ngừa đầy đủ.
Hsu Li Yang, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Singapore, cho biết: “Tỷ lệ tiêm chủng hiện nay có lẽ không đủ cao để ngăn chặn sự gia tăng mạnh của các bệnh nghiêm trọng hơn và có thể tử vong do COVID-19 nếu làn sóng hiện tại này không được kiểm soát”.
Các hạn chế vừa được thắt chặt sẽ kéo dài đến ít nhất là ngày 18/8 và sẽ được xem xét sau 2 tuần. Loạt biện pháp này đã giáng một đòn mạnh vào nhiều người dân Singapore đang mong muốn thoát khỏi đại dịch, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp một lần nữa bị ngừng hoạt động cho dù họ đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc giãn cách xã hội và các quy định nghiêm ngặt khác.
COVID-19 cũng phủ bóng đen lên các lễ kỷ niệm đánh dấu nền độc lập của Singapore, với Lễ diễu hành Ngày Quốc khánh (NDP) hàng năm bị hoãn lại đến ngày 21/8. Cuộc diễu hành ban đầu dự kiến được tổ chức vào ngày 9/8, yêu cầu các khán giả phải xét nghiệm bắt buộc trước sự kiện và đã tiêm chủng đầy đủ.
Số ít vi phạm khiến số đông "bị trừng phạt"
Các đợt bùng phát lây nhiễm mới nhất đã gây ra tâm lý giận dữ về việc thiếu quản lý chặt chẽ các quán karaoke và cửa hàng ăn uống. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng ổ dịch lớn nhất tại cảng cá Jurong đáng lo ngại hơn cụm karaoke, nơi chủ yếu thanh niên nhiễm bệnh.
Số ca nhiễm hàng ngày cao nhất gần đây của Singapore là 182 trường hợp vào ngày 20/7, vẫn chỉ bằng một phần nhỏ so với số ca được báo cáo ở các nước Đông Nam Á khác, nhưng là một mức tăng đáng báo động đối với một quốc gia đã không ghi nhận ca nhiễm hàng ngày nào chỉ 10 ngày trước đó. Tổng số ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Singapore đã tăng lên 964 ca trong khoảng thời gian từ ngày 17-23/7 từ mức 126 ca trong thời gian từ ngày 10 -16/7.
“Các bệnh viện và cơ sở điều trị của chúng tôi có lẽ đã căng ra bởi số ca bệnh mới lên tới ba con số này. Mặc dù không phải ai cũng hài lòng về điều này, nhưng có thể hiểu, cách tiếp cận thận trọng ở đây là hợp lý ”, chuyên gia Hsu giải thích. "Biến thể Delta độc lực cao và dễ lây, cho phép chúng lây lan tự do và nhanh chóng ngay cả trong một cộng đồng có tỉ lệ tiêm chủng cao”.
Việc Singapore gần như đóng cửa trở lại diễn ra sau khi các nhà chức trách tháng trước đã vạch ra lộ trình nới lỏng các hạn chế và coi COVID-19 như một bệnh đặc hữu, có thể kiểm soát được, hơn là một đại dịch. Do vậy, một số nhà quan sát đã chỉ trích quyết định mới là trái với tinh thần của phương pháp tiếp cận “bình thường mới” đã được công bố rộng rãi.
Hai người vừa tiêm vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất vào ngày 24/6 tại một phòng khám ở Singapore. Ảnh: AFP
Ngay trước khi công bố các quy tắc thắt chặt, nhà chức trách đã lên kế hoạch cho phép các biện pháp quản lý nới lỏng với những người đã tiêm chủng, như cho phép tham gia các hoạt động xã hội và ăn uống tại nhà hàng, mặc dù cách tiếp cận đó đã được tạm dừng do lo ngại các ca bệnh tăng quá mạnh có thể gây nguy hiểm cho những người chưa được chủng ngừa.
Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết có một sự hiểu lầm chung rằng Singapore đã bắt đầu một chiến lược coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, dù các nhà chức trách đã giải thích rằng điều đó là tùy thuộc vào mức đủ cao của tỉ lệ tiêm vaccine trong dân số.
“Điều này dự kiến sẽ xảy ra vào khoảng tháng 8. Nhưng cho đến lúc đó, Singapore vẫn cảnh giác cao độ để hạn chế mức độ lây nhiễm trong cộng đồng nhằm bảo vệ những người chưa được tiêm chủng hoặc chỉ được tiêm một mũi”, ông Teo nói và cho biết thêm rằng sự thất vọng của người dân Singapore với việc thắt chặt các hạn chế là điều dễ hiểu.
“Nhiều người ở Singapore đã hợp tác và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chính phủ, bao gồm cả tiêm phòng và giảm thiểu tụ tập xã hội. Các quy định mới nhất dường như đang trừng phạt số đông chỉ vì sự vi phạm của một số ít người, nhưng tôi phải nói rằng đây là gánh nặng cần thiết phải gánh chịu trong ngắn hạn”, ông Teo nhấn mạnh.
Trọng tâm vẫn là thúc đẩy tiêm chủng
Chính phủ Singapore đã khuyến khích người cao tuổi tiêm vaccine COVID-19 bằng cách tiếp cận tận nơi và cho phép người cao tuổi vào tiêm tại bất kỳ trung tâm tiêm chủng nào mà không cần đặt lịch trước. Nhưng nhiều người đã không làm như vậy, vì lo sợ các tác dụng phụ có thể xảy ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý sẵn có của họ.
Chuyên gia Teo Yik Ying nói rằng một số người cao tuổi đã cố tình không tiêm chủng do lo ngại về tính an toàn liên quan đến các loại vaccine RNA thông tin (mRNA) như của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna hiện đang được sử dụng trong chương trình vaccine quốc gia của Singapore, trong khi những người khác lại đang do dự và có thể đòi hỏi dịch vụ tiêm chủng tại nhà.
Giáo sư Saw Swee Hock đề xuất, việc cung cấp các loại vaccine không phải công nghệ mMRA, chẳng hạn như vaccine do Sinovac Biotech/Trung Quốc hoặc Novavax của Mỹ sản xuất vào đợt tiêm chủng quốc gia có thể giúp giảm bớt một số lo ngại của người cao tuổi.
Một chiếc khẩu trang bảo hộ vứt trên đất ở Singapore ngày 28/1/2021. Ảnh: AFP
Vaccine của Sinovac vẫn chưa được các cơ quan quản lý của Singapore phê duyệt mặc dù vaccine này có thể mua tại một số phòng khám tư nhân. Trong khi đó, các nhà chức trách đã ký một thỏa thuận với Novavax vào tháng 6 để mua vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ protein của hãng, vốn đạt hiệu quả hơn 90% trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở Mỹ.
Các chuyên gia y tế kỳ vọng khả năng chịu đựng các ca lây nhiễm cộng đồng của Singapore sẽ cao hơn nhiều khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ vào đầu tháng 8. Từ nay đến đó, các biện pháp hạn chế quy mô nhóm đối với các hoạt động xã hội và ăn uống, cũng như bắt buộc đeo khẩu trang có khả năng vẫn duy trì để cho phép tiêm chủng ở mức độ cao hơn.
“Tôi nghĩ rằng Singapore sẽ dung nạp khoảng 100-200 ca mắc mới mỗi ngày miễn là đa số đều ở mức độ nhẹ, giống như hiện tại. Điều này sẽ dẫn đến việc nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, có lẽ giống như những gì được thực hiện đối với bệnh cúm”, Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Nhiễm trùng châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
“Mặc dù một phương pháp tiếp cận như một bệnh đặc hữu đối với COVID-19 vẫn có phần ‘đầy tham vọng’ ở Singapore và hầu hết thế giới, nhưng đó là điều mà tất cả chúng ta đồng ý cần phải được thực hiện. Khi tỉ lệ tiêm chủng tăng và số người mắc bệnh nặng chỉ còn 2 con số, chúng ta sẽ chuyển sang sống chung với virus”, ông Tambyah nhận định.