'Siêu vi khuẩn' sẽ giết chết hàng chục triệu người vào năm 2050

Thanh Huyền |

Theo nghiên cứu mới được công bố, sự gia tăng nhanh chóng của các tác nhân gây kháng thuốc đang đe dọa gây ra một thảm họa toàn cầu trong tương lai gần. “Siêu vi khuẩn” được tạo ra do kháng thuốc kháng sinh có thể cướp đi sinh mạng của hơn 39 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2050.

Theo nghiên cứu của Dự án Nghiên cứu Toàn cầu về Kháng thuốc Kháng sinh (GRAM), được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet tuần này, nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh có thể cướp đi sinh mạng của hơn 39 triệu người trên toàn thế giới trong 25 năm tới, với 169 triệu người khác dự kiến sẽ tử vong vì những nguyên nhân liên quan.

Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh ( AMR ) xảy ra khi vi khuẩn, vi-rút và các loại vi khuẩn khác trở nên mạnh hơn thuốc dùng để điều trị chúng – tạo ra cái gọi là “siêu vi khuẩn”. Kết quả là các bệnh nhiễm trùng trở nên khó điều trị hoặc không thể điều trị được và lây lan sang người khác.

Nghiên cứu dự báo số ca tử vong do AMR sẽ tăng gần 70% vào năm 2050, so với mức năm 2022, trong đó, số ca tử vong tăng mạnh ở những người lớn tuổi. Đến giữa thế kỷ, số ca tử vong hàng năm do kháng thuốc kháng sinh dự kiến sẽ đạt 1,91 triệu người so với 1,14 triệu người được ghi nhận vào năm 2021. Nghiên cứu lưu ý rằng AMR dự kiến sẽ là nguyên nhân gây ra 8,2 triệu ca tử vong hàng năm, tăng từ 4,71 triệu ca.

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nghiên cứu đã phân tích toàn diện các dữ liệu tử vong và hồ sơ bệnh viện từ 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm đưa ra ước tính về tỷ lệ tử vong trong khoảng thời gian 30 năm.

Nghiên cứu cho thấy sự suy giảm "đáng kể" về số ca tử vong do AMR ở trẻ em dưới 5 tuổi, từ 488.000 xuống 193.000, trong giai đoạn 1990 - 2022, dự kiến sẽ giảm một nửa vào giữa thế kỷ.

Trong khi đó, số ca tử vong ở tất cả các nhóm tuổi khác đang tăng lên, với số ca tử vong do AMR ở người lớn trên 70 tuổi dự kiến sẽ tăng 146% vào năm 2050, từ 512.353 lên 1,3 triệu.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, cũng như khu vực Châu Phi cận Sahara sẽ có tỷ lệ tử vong do AMR cao nhất vào năm 2050.

Giáo sư Mohsen Naghavi, tác giả nghiên cứu và giảng viên tại Đại học Washington, nêu rõ: "Những phát hiện này nhấn mạnh rằng AMR đã là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu đáng kể trong nhiều thập kỷ và mối đe dọa này đang gia tăng. Hiểu được xu hướng tử vong do AMR đã thay đổi như thế nào theo thời gian và chúng có khả năng thay đổi như thế nào trong tương lai là điều vô cùng quan trọng để đưa ra quyết định sáng suốt giúp cứu sống nhiều người".

Các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ gặp nhau tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tuần tới để thảo luận chiến lược nhằm giải quyết vấn đề này. Đây sẽ là một cơ hội quan trọng để các quốc gia phối hợp triển khai chiến lược toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của kháng thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo RT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại