'Siêu thực phẩm' của Việt Nam khiến người Nhật dù khó tính nhất cũng phải khen vừa thơm vừa ngon, Trung Quốc tranh phần nhập khẩu giúp thu về hơn 200 triệu USD

Khánh Vy |

Việt Nam đang là nước xuất khẩu lớn thứ 2 loại quả này vào Trung Quốc.

Siêu thực phẩm của Việt Nam khiến người Nhật dù khó tính nhất cũng phải khen vừa thơm vừa ngon, Trung Quốc tranh phần nhập khẩu giúp thu về hơn 200 triệu USD - Ảnh 1.

Xuất khẩu chuối Việt Nam chỉ đứng sau sầu riêng, thanh long

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu quả chuối của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt 14,8 triệu USD, tăng mạnh 47,3% so với tháng 8/2022. Mức tăng trưởng này của chuối trong tháng 8 chỉ đứng sau sầu riêng.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu chuối đạt 214,3 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 8,3% tỷ trọng. Những năm gần đây, xuất khẩu chuối tươi tăng mạnh, vượt xoài trở thành mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, đứng sau thanh long, sầu riêng.

Ở nước ta, chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của Việt Nam hàng năm, có khoảng 155 nghìn ha trồng chuối với sản lượng gần 2,5 triệu tấn một năm.

Siêu thực phẩm của Việt Nam khiến người Nhật dù khó tính nhất cũng phải khen vừa thơm vừa ngon, Trung Quốc tranh phần nhập khẩu giúp thu về hơn 200 triệu USD - Ảnh 2.

Được mệnh danh là thủ phủ trồng chuối xuất khẩu cả nước, chuối là cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai, mang lại thu nhập không nhỏ cho người nông dân, trung bình từ 200-300 triệu đồng/ha mỗi năm.

Trong 5 năm qua, diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh này tăng gần gấp đôi, từ khoảng 7.300ha năm 2016 tăng lên hơn 13.100ha vào năm 2021. Với diện tích trên, Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về trồng chuối, chiếm tỷ lệ 8,5% toàn quốc và 71% vùng Đông Nam Bộ. Năng suất trung bình khoảng 40 đến 45 tấn/ha; sản lượng ước tính 450.000 tấn/năm, trong số này, hơn 80% là để xuất khẩu.

Giống chuối được trồng phổ biến là giống chuối già Nam Mỹ, chuối Sứ, chuối Cau. Chuối tươi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia. Năm 2022, Đồng Nai xuất khẩu hơn 400.000 tấn chuối và dự kiến năm 2023, xuất khẩu hơn 500.000 tấn.

Chuối Việt đắt khách tại Nhật Bản

Tại Nhật Bản, chuối nằm trong số trái cây nhiệt đới được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Theo Bộ Công thương, số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho biết, trong 7 tháng năm nay, chuối xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản tăng đột biến khi đạt 7.900 tấn, trị giá 1,05 tỉ yên (tương đương 7,1 triệu USD), tăng 62% về lượng và tăng 80,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm là 133,6 nghìn Yên/tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2022.

Hiện, chuối của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được hưởng mức thuế ưu đãi, có mức thuế suất theo Hiệp định AJCEP là 0% từ ngày 01/4/2023, trước đó là 3%. Ngoài lợi thế về thuế quan, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, hiện tại, nhiều hệ thống tiêu thụ tại Nhật Bản mong muốn nhập khẩu chuối từ Việt Nam, bởi người tiêu dùng Nhật Bản cho rằng chuối Việt Nam rất thơm ngon.

Nhật Bản là một thị trường khó tính nên chuối Việt Nam để xuất khẩu được vào đây phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe, từ thổ nhưỡng trồng chuối đến quy trình chọn giống, chăm bón đến thu hoạch, lựa chọn chuối (quả đều kích cỡ) đóng gói bao bì, vệ sinh thực phẩm, cách xếp trong container để chuối không bị va chạm, trầy xước…

Cũng chính vì thị trường trái cây Nhật Bản khó tính nhất thế giới nên nếu chuối Việt Nam xuất ổn định được ở thị trường này thì có thể đi đến bất cứ nơi nào.

Siêu thực phẩm của Việt Nam khiến người Nhật dù khó tính nhất cũng phải khen vừa thơm vừa ngon, Trung Quốc tranh phần nhập khẩu giúp thu về hơn 200 triệu USD - Ảnh 3.

Không chỉ Nhật Bản, Việt Nam cũng đang là nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 vào Trung Quốc, đạt sản lượng 469.000 tấn.

Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước khác, đây là một yếu tố thuận lợi. Thêm nữa, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng khiến nông dân không mặn mà trồng chuối, dẫn đến sự gia tăng về thị phần nhập khẩu. Cùng với đó, dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng chuối Trung Quốc giảm mạnh, từ đó thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu chuối từ Việt Nam.

Ngoài ra, cơ hội xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc rộng mở hơn khi Nghị định thư về xuất khẩu trái chuối tươi chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết vào tháng 11/2022. Tức là, chuối tươi Việt Nam đã có được tấm giấy thông hành sang Trung Quốc và ngày càng có chỗ đứng trong chuỗi tiêu thụ rau quả của nước này.

Chuối rất bổ dưỡng, chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin và carbohydrate, là nguồn cung cấp năng lượng tự nhiên rất tốt cho cơ thể. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS One đã so sánh một quả chuối với một loại đồ uống thể thao chứa carbohydrate dành cho những người đi xe đạp đường dài. Kết quả cho thấy chuối cung cấp nhiều năng lượng và sức bền tương tự như đồ uống thể thao.

Thậm chí, chuối được mệnh danh là “siêu thực phẩm” đầu tiên, được Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20 xác nhận là thực phẩm sức khỏe cho trẻ em và điều trị bệnh celiac.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại