Siêu thị nội đang “tung bóng” cho doanh nghiệp ngoại

Phan Thu |

Cho rằng sức ép của việc hội nhập chỉ chiếm 30%, 70% còn lại là chính “chúng ta tự hại chúng ta”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội ví von: “Giá một chai dầu ăn 5 lít ở siêu thị nội đang cao hơn siêu thị ngoại đến 20.000 đồng. Như vậy, chính doanh nghiệp nội đang tung quả bóng cho doanh nghiệp ngoại đập”.

Khách hàng bỏ siêu thị nội

Số liệu của hãng nghiên cứu A.T.Kearey cho thấy, Việt Nam đứng thứ 28 trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới và Việt Nam hiện nằm trong top 5 thị trường bán lẻ phát triển nhất châu Á.

Không chỉ vậy, tầng lớp trung lưu của Việt Nam dự báo đến năm 2020 ước tính tăng gấp 3 lần so với hiện nay.

Từ những thông tin này có thể thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia đang rất lo lắng cho thị phần của doanh nghiệp nội đối với thị trường bán lẻ, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Bằng chứng là các doanh nghiệp nước ngoài nhìn thấy tiềm năng của mảnh đất màu mỡ này đã không ngừng đổ vốn đầu tư. Do vậy, sức ép hội nhập của thị trường bán lẻ vô cùng lớn.

Hội nhập kéo theo việc miễn, giảm thuế nên hàng hóa nước ngoài sẽ rẻ hơn khi thuế về 0%. "Các doanh nghiệp nội sẽ cạnh tranh ra sao?" là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra và đau đáu đi tìm câu trả lời.

Không phủ nhận sự chuyển mình của doanh nghiệp nội nhưng ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, sự cố gắng của doanh nghiệp nội quá chậm nên khi hội nhập doanh nghiệp nước ngoài mạnh về vốn, công nghệ, tiếp thị… thì doanh nghiệp nội sẽ khó khăn là chắc chắn.

Song theo ông Phú, sức ép của hàng Thái, hàng Australia, hàng Mỹ… chỉ chiếm 30%, 70% còn lại là “chúng ta tự hại chúng ta”.

Trong khi doanh nghiệp ngoại mạnh về đủ mọi mặt thì Việt Nam một số tập đoàn bán lẻ lớn không thể dẫn dắt thị trường. Ví dụ như Tổng công ty Thương mại Hà Nội hiện 30-40% là cho thuê áo cưới, xe đạp điện.

Hoặc như vấn đề giá cả bất hợp lý cũng đang dần “giết chết” doanh nghiệp. Giá chai dầu ăn 5 lít ở siêu thị nội cao hơn siêu thị ngoại tới 20.000 đồng.

“Chính doanh nghiệp nội đang nêu quả bóng cho doanh nghiệp ngoại đập”, ông Phú ví von.

Thậm chí, giá ở một số doanh nghiệp thuộc diện bình ổn giá còn cao hơn giá của siêu thị ngoại.

Tết vừa qua, Hà Nội công bố 32.000 tấn rau bình ổn nhưng giá cà chua tăng 4 lần không ai chịu trách nhiệm mà chỉ vẽ ra con số không thực tế. Vậy nên khách hàng bỏ siêu thị nội ra siêu thị ngoại mua vì giá rẻ.

Cần một hội nghị "Diên hồng"

Chỉ ra một loạt những tồn tại đang diễn ra của thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Phú cho rằng, phải có hội nghị "Diên hồng" về bán lẻ xem ngành bán lẻ như thế nào, chứ không chỉ bàn chung chung hỗ trợ như thế nào.

“Dư địa hỗ trợ hiện nay không còn, bây giờ phải cạnh tranh, nếu không thì sẽ phá sản. Muốn cạnh tranh doanh nghiệp nội phải vươn lên”, vị chuyên gia này nói.

Đề cập đến vấn đề này, tại hội thảo "Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức" ngày 18-5, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận:

“Cơ hội là gắn với những cái được, còn thách thức đương nhiên là phải nói đến những mất mát. Nếu chúng ta đang bán hàng mà mất thị phần thì rõ ràng đây là mất mát”.

Như vậy, hội nhập chắc chắn là doanh nghiệp lo, phía nhà quản lý phải nhìn rõ cơ hội và thách thức để giúp doanh nghiệp giảm thiểu được rủi ro cao nhất.

Đồng tình với quan điểm dư địa hỗ trợ hiện nay không còn, ông Hải nêu lên một thực tế, cách đây 5 năm doanh nghiệp kiến nghị có những ưu đãi, hỗ trợ để doanh nghiệp có thể cạnh tranh như hỗ trợ vốn, vị trí đẹp để có hệ thống bán hàng.

Song chính những doanh nghiệp đó sau khi ổn định lại bán hết cho nước ngoài.

“Các doanh nghiệp được ưu ái, hỗ trợ nhiệt tình nhưng rồi lại bán đi cho nước ngoại như Phú Thái, Nguyễn Kim, Kinh Đô, vô hình trung chúng ta đã đi hỗ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài”, ông Hải nêu ý kiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại