Siêu tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới của Mỹ lên bệ: 'Quái vật' tỷ đô sắp bay!

Trang Ly |

Kinh phí cho mỗi lần tên lửa này phóng ước tính lên đến 4,1 tỷ đô.

Động cơ khủng của SLS.

Động cơ khủng của SLS.

Ngày 17/3/2022, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo: NASA đã sẵn sàng triển khai siêu tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) để thực hiện cuộc diễn tập tiền phóng trên bệ phóng tại Khu liên hợp phóng 39B cách Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ vài km, SpaceNews thông tin.

Theo kế hoạch, quá trình triển khai siêu tên lửa SLS cao 111 mét dự kiến ​​bắt đầu vào khoảng 5 giờ chiều miền Đông và mất khoảng 6 đến 12 giờ để đến được bệ phóng cách đó 6,4 km. NASA sẽ phát sóng trực tiếp (Livestream) sự kiện quan trọng này trên các nền tảng của mình.

Các kỹ sư và kỹ thuật viên tại Trung tâm Không gian Kennedy sẽ lái Phương tiện vận chuyển - bánh xích khổng lồ của NASA (Crawler-Transporter 2, nặng 3.300 tấn) để chở siêu tên lửa khổng lồ SLS nặng 2.875 tấn và di chuyển với tốc độ 1,6 km/giờ.

Siêu tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới của Mỹ lên bệ: Quái vật tỷ đô sắp bay! - Ảnh 1.

Phương tiện vận chuyển - bánh xích khổng lồ của NASA (Crawler-Transporter 2) - 'Người vận chuyển' của siêu tên lửa SLS. Ảnh: NASA

Trước đó, tại cuộc họp giao ban ngày 14/3, các quan chức NASA cho biết cơ quan này đã hoàn tất các đánh giá cho việc triển khai SLS theo lịch trình vào ngày 17/3 và di chuyển SLS từ Tòa nhà lắp ráp phương tiện (VAB) tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy đến Khu liên hợp phóng 39B.

Theo kế hoạch, sau khi SLS đã được định vị trên bệ phóng, đội ngũ kỹ sư của NASA sẽ mất một khoảng thời gian là vài tuần để chuẩn bị cho cuộc diễn tập tiền phóng - Đây là khâu quan trọng cuối cùng cho sứ mệnh Artemis I để tìm hiểu xem tên lửa SLS, tàu vũ trụ Orion, thiết bị mặt đất và đội thực hiện phóng đã sẵn sàng để bay lên Mặt Trăng hay chưa.

Dự kiến, diễn tập tiền phóng sẽ diễn ra vào ngày 3/4/2022 và cũng được NASA phát sóng trực tiếp trên các nền tảng của mình.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch (diễn tập tiền phóng thành công), NASA có thể bắt đầu sứ mệnh Artemis 1, một chuyến du hành vòng quanh Mặt Trăng (giai đoạn đầu của Chương trình Artemis) sớm nhất vào ngày 6/6, muộn nhất là ngày 12/7/2022.

Theo NASA, sau khi cuộc diễn tập tiền phòng kết thúc thành công, NASA sẽ công bố ngày phóng cho Artemis I cụ thể hơn.

ĐỘNG CƠ SIÊU KHỦNG CỦA SLS - TÊN LỬA ĐẨY MẠNH NHẤT LỊCH SỬ

NASA gọi Hệ thống Phóng Không gian (SLS) của mình là siêu tên lửa Mega Moon. Với kinh phí cực khủng, cùng sức mạnh tạo ra lực đẩy 39,1 meganewtons; đạt tốc độ 39.438 km/giờ và khả năng chở được 27 tấn hàng hóa lên Mặt Trăng - Siêu tên lửa SLS của NASA chính thức trở thành tên lửa đẩy mạnh nhất lịch sử [Phá kỷ lục của siêu tên lửa Saturn V của chính NASA - đây là tên lửa đã đưa phi hành đoàn Apollo 11 đặt những bước chân đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng năm 1969].

Siêu tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới của Mỹ lên bệ: Quái vật tỷ đô sắp bay! - Ảnh 3.

Bức ảnh chụp năm 2021 này cho thấy sự lắp ráp của Hệ thống Phóng Không gian (SLS) tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Ảnh: NASA / Cory Huston

Với khả năng tải trọng chưa từng có đó, SLS là tên lửa duy nhất có thể cùng lúc đưa tàu vũ trụ Orion, phi hành gia và vật tư lên Mặt Trăng trong cùng một nhiệm vụ bay. Điều này giúp làm giảm số lượng và độ phức tạp của các hoạt động trong không gian và tăng cơ hội thành công cho sứ mệnh.

NASA sẽ thực hiện các cuộc thử nghiệm tiền phóng cẩn thận vì họ muốn đảm bảo SLS phóng đi mà không gặp bất cứ 1 sai sót nhỏ nào, vì một cuộc kiểm toán gần đây cho thấy mỗi lần SLS phóng đi (trong tương lai) sẽ tiêu tốn của NASA khoảng 4,1 tỷ USD!

Trên đỉnh của tên lửa SLS khổng lồ chính là tàu vũ trụ Orion, theo kế hoạch sẽ đưa người phụ nữ và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2025.

Cấu tạo của SLS gồm tầng lõi + 2 tên lửa đẩy rắn bổ trợ.

- Về kỹ thuật, 'trái tim sức mạnh' của SLS đến từ Tầng lõi nặng 94 tấn của nó. Tầng này bao gồm:

+ 2 bể chứa nguyên liệu lớn: Một bể chứa hydro lỏng, nhiên liệu; và một bể chứa oxy lỏng, một "chất oxy hóa", giúp cho nhiên liệu cháy. Cùng với nhau, chúng được gọi là chất đẩy (hay nguyên liệu đẩy).

+ 4 động cơ RS-25: Mỗi động cơ RS-25 dài 4,2 mét, rộng 2,4 mét; nặng 3.526 kg, và sẽ tạo ra lực đẩy 256 tấn trong 8 phút. Trong khi động cơ tàu con thoi hoạt động ở 104,5% lực đẩy định mức, thì mỗi động cơ SLS sẽ hoạt động với lực đẩy 109%.

Động cơ RS-25 được thiết kế và chế tạo bởi Aerojet Rocketdyne (Mỹ), động cơ RS-25 đã giúp cung cấp năng lượng cho tàu con thoi trong hơn 3 thập kỷ qua 135 nhiệm vụ, tích lũy hơn 3.000 lần khởi động và 1 triệu giây thời gian bay & thử nghiệm trên mặt đất, NASA thông tin.

Siêu tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới của Mỹ lên bệ: Quái vật tỷ đô sắp bay! - Ảnh 5.

Siêu tên lửa SLS bên trong High Bay 3 của Tòa nhà lắp ráp phương tiện (VAB) tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, Mỹ. Ảnh: NASA / Frank Michaux

- Bộ đôi động cơ tên lửa đẩy rắn 5 giai đoạn (Solid Rocket Boosters - SRBs - còn gọi là Bộ tăng tốc): NASA cho biết, SRB là động cơ đẩy chất rắn lớn nhất từng được phát triển cho các chuyến bay vào vũ trụ và là động cơ đầu tiên được chế tạo để sử dụng trên tàu có người lái.

Động cơ khổng lồ này bao gồm một hộp động cơ phân đoạn với các động cơ đẩy rắn, một hệ thống đánh lửa, một vòi phun có thể di chuyển và các thiết bị đo lường cùng phần cứng tích hợp cần thiết.

SRBs hoạt động song song với các động cơ chính trong 2 phút đầu tiên sau khi phóng, cung cấp lực đẩy cần thiết để SLS thoát khỏi lực hút Trái Đất. Ở độ cao 45km, SRBs sẽ tách ra, lao xuống bằng dù xuống Đại Tây Dương và được thu hồi lại để tái sử dụng.

DIỄN TẬP TIỀN PHÓNG

Như NASA đã thông tin, sau khi SLS được đưa lên bệ phóng ổn định, các kỹ sư NASA sẽ mất một vài tuần để thực hiện diễn tập tiền phóng - một cuộc thực hành đếm ngược trong đó các thùng chứa thuốc phóng lỏng của tàu vũ trụ được đổ đầy.

Đây là bài kiểm tra lớn cuối cùng trước khi phóng SLS đầu tiên trong nhiệm vụ Artemis 1.

Trong trường hợp của Artemis I, điều đó có nghĩa là các bể chứa của tầng lõi của SLS sẽ chứa đầy nhiên liệu hydro lỏng siêu lạnh và các thùng chất oxy hóa của nó chứa đầy oxy lỏng siêu lạnh.

Siêu tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới của Mỹ lên bệ: Quái vật tỷ đô sắp bay! - Ảnh 7.

Động cơ RS-25 của tầng lõi. Ảnh: NASA

Nhóm phóng (đội kỹ thuật/kỹ sư NASA phụ trách việc phóng SLS) tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy sẽ cung cấp nhiên liệu cho tên lửa, sau đó chạy qua đồng hồ đếm ngược phóng, và dừng 10 giây trước khi "Cất cánh!"

Đặc biệt, nhóm phóng sẽ thực hành kiểm tra một lần phóng vào thời điểm cuối cùng, đặt lại bộ đếm ngược thành T-10 phút, và "khử bể" hoặc đổ hết nhiên liệu khỏi tên lửa chính. Mặc dù tên lửa SLS sẽ được tiếp nhiên liệu trong diễn tập tiền phóng, nhưng nó sẽ không thực sự khai hỏa - phần đó diễn ra sau đó, trong một cuộc thử nghiệm được gọi là cháy tĩnh.

Bài viết sử dụng nguồn: NASA, Inverse, Scitechdaily, Spacenews, DM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại