Siêu show của Mr. Đàm: Khán giả chưa biết tự tôn trọng mình

Phong Lữ |

Mặc dù phải bỏ hàng triệu đồng để được thưởng thức “siêu show” của Đàm Vĩnh Hưng, nhưng nhiều khán giả vẫn chưa tự tôn trọng chính mình.

Tối 15/10, Diamond show – "Siêu show" 12 tỷ đồng của Đàm Vĩnh Hưng – được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Với sức hấp dẫn đặc biệt của show diễn, mặc dù 20h30 chương trình mới bắt đầu nhưng từ 19h, rất đông khán giả đã đổ về sảnh Trung tâm.

Vì liveshow được ghi hình trực tiếp để phục vụ việc phát hành DVD nên BTC đã có những quy định khá nghiêm ngặt về việc sử dụng các thiết bị ghi hình trong suốt quá trình diễn ra liveshow.

Cụ thể, toàn bộ khán giả không được phép sử dụng điện thoại và các thiết bị ghi hình để quay phim, chụp ảnh trong thời gian chương trình diễn ra. Ngay cả các phóng viên cũng không tác nghiệp ở khu vực sân khấu.

Siêu show của Mr. Đàm: Khán giả chưa biết tự tôn trọng mình - Ảnh 1.

Ngay từ 19h, rất đông khán giả đã có mặt chờ xem "siêu show" của Đàm Vĩnh Hưng.

Để nhắc nhở khán giả, BTC đã cho đặt 1 bảng thông báo khá lớn ở ngay sảnh Trung tâm với nội dung đề nghị khán giả không sử dụng điện thoại và các thiết bị khác để ghi hình, chụp ảnh trong thời gian diễn ra chương trình.

Ngoài ra, khi qua cửa soát vé, khán giả đều được yêu cầu để điện thoại vào túi nilon tráng bạc.

Thậm chí, trước khi bắt đầu chương trình, BTC còn phát đi phát lại 1 đoạn clip ngắn với nội dung là đích thân nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khuyến cáo khán giả không nên dùng điện thoại để quay phim, chụp ảnh, live streams…trong suốt show diễn để đảm bảo quyền lợi của mình.

Thế nhưng, không ít khán giả vô tư coi những lời nhắc nhở và các biện pháp can thiệp của BTC chỉ là "trò đùa".

Ngay khi chương trình bắt đầu, nhiều khán giả thoải mái xé túi nilon tráng bạc, lấy điện thoại ra và quay phim, chụp ảnh…như chưa từng được nhắc nhở.

Siêu show của Mr. Đàm: Khán giả chưa biết tự tôn trọng mình - Ảnh 2.

Thay vì tập trung xem biểu diễn, khán giả lại chỉ chăm chú tận dụng cơ hội để quay phim, chụp ảnh. (Ảnh minh họa)

Vì không muốn làm ảnh hưởng tới những vị khách xung quanh nên nhân viên hậu đài cùng lực lượng bảo vệ chỉ đứng từ xa, dùng đèn chiếu laze để nhắc nhở các vị khán giả "cứng đầu".

Song, biện pháp này vẫn không mấy hiệu quả. Thậm chí, các vị khách nói trên còn phớt lờ ánh đèn laze, tiếp tục thực hiện hành vi của mình. Phải đến khi nhân viên hâu đài tới tận nơi nhắc nhở, họ mới cất điện thoại vào túi.

Với số lượng gần 4000 khán giả, lực lượng bảo vệ cùng nhân viên hậu đài đã rất vất vả để kiểm soát việc các khán giả sử dụng thiết bị quay phim, ghi hình cá nhân.

Điều đáng nói là, để được có mặt trong khán phòng, những vị khách này đã phải bỏ hàng triệu đồng để mua vé. Thế nhưng, thay vì tập trung thưởng thức chương trình, các vị khách vô tâm này lại tranh thủ tìm cơ hội chụp 1 bức ảnh, quay 1 đoạn clip để lưu lại trong điện thoại của mình.

Hành vi của họ không chỉ khiến bản thân họ bị thiệt thòi (vì không thưởng thức trọn vẹn được chương trình) mà còn gây ảnh hưởng cả tới những người xung quanh.

Siêu show của Mr. Đàm: Khán giả chưa biết tự tôn trọng mình - Ảnh 3.

BTC yêu cầu khán giả để điện thoại vào túi tráng bạc trước khi vào khán đài.

Bởi trong bóng tối của khán phòng, ánh đèn laze dễ dàng khiến mọi người bị mất tập trung, dù họ không phải là người "bị chiếu".

Vậy là, mặc dù bỏ tiền triệu để giải trí, nhưng họ lại không tự tôn trọng bản thân và tấm vé của mình.

Trên thực tế, những trường hợp như thế này không hề hiếm. Ý thức tôn trọng bản quyền chưa được khán giả người Việt chú trọng, nên họ dễ dàng phớt lờ những yêu cầu liên quan đến việc bảo vệ hình ảnh và nội dung của các tác phẩm, các chương trình.

Đã đến lúc, khán giả cần nghiêm túc nhìn nhận lại thái độ của mình đối với vấn đề bản quyền của 1 tác phẩm, 1 chương trình. Đây là cách để họ tôn trọng sức lao động của ê-kip sản xuất và cũng là tự tôn trọng chính bản thân mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại