Siêu sân bay 16 tỷ USD xịn nhất Việt Nam có bước tiến đột phá, ngày về đích có còn xa?

Thái Hà |

Ngày 4/4, Ban QLDA Cảng HKQT Long Thành thông báo một tin cực vui liên quan đến siêu sân bay này.

Nâng thành công hệ kết cấu thép mái trung tâm Nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành

Cảng HKQT Long Thành là dự án trọng điểm hàng đầu quốc gia, nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước cùng sự chỉ đạo sát sao từ Thủ tướng Chính phủ. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là hơn 16 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 4,7 tỷ USD.

Ngày 4/4, Liên danh Vietur, nhà thầu Gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách”, thành viên Kết cấu thép ATAD đã phối hợp cùng nhà thầu phụ VSL thực hiện thành công việc nâng hệ kết cấu thép mái trung tâm Nhà ga bằng giải pháp kết hợp giữa kéo và đẩy bằng hệ kích thủy lực (Lifting).

Hình ảnh nâng mái thép sân bay Long Thành nặng 5 . 300 Tấn - Ảnh 1.

Hệ kết cấu thép mái sân bay Long Thành trong giai đoạn nâng lên 15m. Ảnh: ACV

Tổng khối lượng phần mái thép lên đến hơn 5.300 tấn, được lắp ráp từ 256 điểm kết nối, đáp ứng tiêu chuẩn kiểm soát của Châu Âu. Phần mái có kết cấu vòm cong với diện tích gần 20.000 m², trong đó có một cánh vươn (cantilever) dài tới 41 mét nhô ra ngoài. 

Toàn bộ hệ kết cấu khổng lồ này được nâng lên bằng 56 thiết bị kích thủy lực chuyên dụng, mỗi chiếc có thể chịu tải từ 40 đến 330 tấn, giúp đảm bảo quá trình lắp dựng an toàn và chính xác.

Để đảm bảo việc nâng mái thép chính xác và an toàn, Ban QLDA Cảng HKQT Long Thành đã yêu cầu đội ngũ kỹ sư của ATAD phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia hàng đầu đến từ tập đoàn VSL Thụy Sĩ.

Siêu sân bay 16 tỷ USD xịn nhất Việt Nam có bước tiến đột phá, ngày về đích đang cận kề - Ảnh 1.

Mái vòm thép của Nhà ga hành khách được nâng lên hoàn toàn. Ảnh: ACV

Việc nâng thành công hệ kết cấu thép mái trung tâm Nhà ga hành khách là một dấu mốc quan trọng trong tiến độ xây dựng của dự án Cảng HKQT Long Thành, như yêu cầu của Thủ tướng: "Cơ bản phải hoàn thành trong năm 2025, đưa vào vận hành, khai thác thương mại vào nửa đầu năm 2026".

Đây cũng là một biểu tượng cho thành tựu tiến bộ kỹ thuật trong ngành xây dựng Việt Nam, chứng minh năng lực quản lý của Ban QLDA Cảng HKQT Long Thành cũng như trình độ kỹ thuật của đội ngũ kỹ sư Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới.

Áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới để nâng thành công hệ kết cấu thép mái 5.300 tấn

Phương pháp Lifting - sử dụng kỹ thuật hiện đại và tiên tiến bậc nhất thế giới, là một trong những công nghệ cao trong ngành kỹ thuật xây dựng hiện đại. Hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga là một trong những module nâng phức tạp và thử thách hàng đầu trong lịch sử ngành xây dựng, là module có quy mô lớn bậc nhất trong lịch sử nhà ga hành khách hàng không trên thế giới.

Hệ mái được chia thành nhiều module lớn để lắp ráp dưới mặt đất, sau đó nâng lên. Mỗi module phải được lắp ghép chính xác, đảm bảo không xảy ra biến dạng khi chịu lực trong quá trình nâng. 

Mái có cấu trúc cong, lượn sóng, với nhiều lớp xếp chồng, mô phỏng cánh sen, đòi hỏi mô hình hóa 3D chi tiết và tính toán chính xác để đảm bảo tính đồng bộ với kiến trúc tổng thể. 

Siêu sân bay 16 tỷ USD xịn nhất Việt Nam có bước tiến đột phá, ngày về đích đang cận kề - Ảnh 2.

Các kỹ sư kiểm tra lắp đặt kích nâng. Ảnh: ACV

Điều này không chỉ đòi hỏi tính thẩm mỹ cao mà còn phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt của một sân bay quốc tế đạt tiêu chuẩn 4F theo Tổ chức Hàng không thế giới (ICAO).

Việc nghiên cứu kỹ thuật, thiết kế và chuẩn bị giải pháp đã được Ban QLDA Cảng HKQT Long Thành cùng với đội ngũ kỹ sư liên danh Vietur - ATAD thực hiện trong suốt 12 tháng trước khi triển khai thi công. 

Sự thành công của phương pháp nâng này phụ thuộc vào các tính toán kỹ thuật tỉ mỉ, toàn diện, đảm bảo sự ổn định tuyệt đối của toàn bộ hệ kết cấu trong suốt quá trình nâng lên và đưa vào đúng vị trí thiết kế. 

Siêu sân bay 16 tỷ USD xịn nhất Việt Nam có bước tiến đột phá, ngày về đích đang cận kề - Ảnh 3.

Chi tiết kết cấu thép hỗ trợ nâng hệ mái rất phức tạp. Ảnh: ACV

Bên cạnh đó, nhà thầu đã áp dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống giám sát tải trọng, phần mềm mô phỏng quá trình nâng và lập kế hoạch, công nghệ Scan 3D để đảm bảo độ chính xác trong quá trình sản xuất lắp dựng và BIM (Building Information Modeling) để tối ưu hóa quy trình thi công, nâng cao hiệu suất kỹ thuật và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Công tác kiểm soát các kích thước liên kết, dung sai biến dạng, sự giãn nở nhiệt của kết cấu thép đã được thực hiện một cách chính xác tuyệt đối bởi các thiết bị chuyên dụng, đảm bảo khi module được nâng lên, các liên kết sẽ hoàn hảo và chính xác với hệ kết cấu đã được lắp dựng trước đó.

Không lùi tiến độ, Thủ tướng "chốt" thời điểm đưa sân bay Long Thành vào khai thác thương mại

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc kiểm tra và làm việc về Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 và các dự án giao thông kết nối.

Thủ tướng nhấn mạnh, các chủ đầu tư, nhà thầu và các bộ, ngành liên quan cần quán triệt mục tiêu không thay đổi của dự án là cơ bản phải hoàn thành trong năm 2025, đưa vào vận hành, khai thác thương mại vào nửa đầu năm 2026.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cần chỉ đạo khẩn trương thi công các hạng mục, triển khai thi công "3 ca, 4 kíp", phải "xuyên ngày lễ, ngày nghỉ"; "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió" đối với các công việc của nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu) sau khi hoàn thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại