"Siêu nhân" là cách mà cộng đồng mạng gọi Thanh Vũ (Vũ Phương Thanh) sau khi cô gái sinh năm 1990 này chinh phục được hành trình "deca triathlon" - thử thách sức bền khó nhất trong các môn thể thao. Trước đó, Thanh Vũ cũng từng được gọi là "cô gái sa mạc" khi trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên chinh phục được hành trình 1.000 km xuyên qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới.
- Xin chào Thanh Vũ. Chinh phục được hành trình khắc nghiệt để vươn đến đỉnh cao. Điều đó có ý nghĩa gì đối với bạn?
Khi bước chân vào cuộc đua này, mục tiêu mà tôi ưu tiên hàng đầu là hoàn thành được nó. Mọi người có thể rất ấn tượng với việc tôi là nhà vô địch thế giới, nhưng niềm vinh hạnh lớn nhất đối với tôi là bản thân mình đã dám nghĩ, dám làm, dám tiến tới. Có lẽ ít người nghĩ đến một phụ nữ châu Á, liễu yếu đào tơ có thể chinh phục những cự ly "khủng" như vậy, chứ chưa nói trở thành quán quân.
Thanh Vũ (Vũ Phương Thanh) chinh phục thành công chặng "ultra" (cự ly dài gấp 10 lần 3 môn phối hợp thông thường) tại Thụy Sĩ. (Ảnh: Swiss Ultra)
Cho phép bản thân được tiếp xúc với những cơ hội, tôi mới biết được mình có thể làm được những gì, tiềm năng ra sao. Thanh cảm thấy rất vui với thành tích này. Điều đó giúp tôi truyền tải thông điệp "không gì là không thể", luôn cố gắng, nỗ lực hơn để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Không phải tất cả mọi người cũng có mục tiêu chinh phục cự ly siêu bền của môn thể thao này, nhưng trong cuộc sống thì ai cũng có những khó khăn của riêng mình. Mọi người đều phải vượt qua những rào cản và hi vọng từ câu chuyện của tôi, ai đó có thể thấy được rằng phải đặt những bước chân đầu tiên thì hành trình mới diễn ra. Nếu không đặt bước chân đầu tiên thì 100% sẽ không thành công.
Ngoài ra, với thành tích này, tôi cũng mong sẽ lôi cuốn được nhiều người chinh phục hoài bão, làm được những điều tưởng như là không thể, để đưa dấu ấn Việt Nam ra xa hơn nữa.
- Cộng đồng mạng gọi bạn là "siêu nhân". Bạn có thấy biệt danh đó phù hợp với bản thân không?
Cái tên đó nghe rất thú vị, nhưng thực sự khi bước ra một chân trời mới rất ghê gớm thì tôi mới thấy rằng mình thật nhỏ bé. Cuộc đua này có rất nhiều người đang nắm, hoặc vừa phá vỡ kỷ lục thế giới. Điều đặc biệt là đa số họ không phải dân chuyên nghiệp, có nhiều người tuổi trung niên, hơn 60 tuổi cũng có.
Chỉ có khoảng hơn 100 người trên toàn thế giới từng hoàn thành cự ly deca triathlon trong 30 năm qua. (Ảnh: Swiss Ultra)
Tôi tự nói với bản thân rằng "Trời ơi, sao mà mình trẻ, khỏe mà thấy môn này ghê như vậy, mà những người 50, 60 tuổi, vóc người gầy gò mảnh mai lại có thể tham gia được?". Nhưng, bước chân vào đường đua mới thấy ý chí của con người mạnh mẽ như thế nào.
Cơ thể con người là cỗ máy có tiềm năng cực kỳ lớn. Mọi người thấy tôi hoàn thành như vậy rất "khủng", nhưng người về nhất là anh Kenneth hoàn thành phần thi chỉ mất khoảng 8 ngày.
Tôi đến với môn thể thao này với tư duy tham gia không phải để hoàn thành xong rồi gục ngã cả tuần. Phải làm sao để cán đích khỏe mạnh, hoạt động bình thường được. Như vậy mới là chinh phục được một thử thách. Tôi quan niệm rằng cuộc sống cũng là một cuộc "ultra" thử thách siêu bền. Mỗi ngày thức dậy có những thứ để chinh phục rồi sau một ngày dài, chúng ta nghỉ ngơi, tiếp thêm năng lượng để chuẩn bị cho những mục tiêu tiếp theo.
- Thanh có kế hoạch và mục tiêu chinh phục các thử thách tương tự trong thời gian tới không?
Tôi muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa, đạt được cái tiềm năng của mình. Mỗi năm tôi sẽ đặt ra một thách thức khó hơn một chút, khắc nghiệt hơn một chút, có thể ghi lại dấu ấn Việt Nam trên thế giới về ý chí và bản lĩnh.
Tôi cũng muốn sử dụng cái nền tảng của mình để tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người trong việc chinh phục những thách thức của riêng họ để vươn lên. Tôi cũng không có gì đặc biệt cả. Những người tham gia giải này còn siêu hơn tôi, mà họ cũng không phải là "siêu nhân vũ trụ" hay gì cả. Họ là những người rất bình thường thôi, chỉ là họ có mục tiêu, có kế hoạch, họ có những động lực rất lớn.
- Hình như trong những cuộc thi kiểu này, thứ bị thử thách nhiều nhất, bị bào mòn nhiều nhất là tinh thần chứ không phải thể chất. Bạn có nghĩ như vậy không?
Đúng là ở những cuộc đua siêu bền thế này, vấn đề về thể chất không đáng kể so với tinh thần. Rất nhiều vận động viên hoàn toàn đủ khả năng về mặt thể chất để hoàn thành các phần thi, nhưng về mặt tâm lý thì họ không chịu được cảm giác nhàm chán, hay mệt mỏi kéo dài.
Có một câu nói là "Đau đớn không tránh được, nhưng đau khổ là lựa chọn". Ai cũng phải đau thôi, nhưng khổ hay không là do mình quyết định. Nếu suy nghĩ là khổ, mình sẽ bước đi chật vật. Còn nếu coi thách thức là cơ hội thì mình sẽ quyết tâm vượt qua.
Tham gia giải đấu này chỉ có hai, ba người trông có dáng thể thao, còn lại thì như ông nội, bà ngoại của mình vậy. Hai người lớn tuổi nhất đều ngoài 60 tuổi, có ý chí sắt thép mà chỉ cần đứng gần thôi tôi cũng cảm nhận được. Lúc nào họ cũng tập trung cao độ, không để yếu tố gì làm ảnh hưởng tới tâm lý. Họ có thể rất đau, rất mệt nhưng họ luôn biết phải làm gì. Ý chí của con người luôn là thứ quyết định.
- Thể thao thông thường gắn liền với ăn tập chuyên nghiệp, nhưng câu chuyện của Thanh và các vận động viên "ultra" khác có vẻ tôn lên một góc nhìn khác.
Thể thao đối với tôi là thứ rất gần gũi với cuộc sống. Từ nhỏ tôi không ham thích thể thao, không có năng khiếu. Tuy nhiên, càng tham gia tôi lại càng cảm nhận được rằng thể thao mô phỏng cuộc sống rất nhiều.
Các chặng "ultra" như một cuộc sống thu nhỏ. Có những khoảnh khắc hào hứng, nhiệt huyết nhưng cũng có lúc thấy kiệt quệ, tủi thân. Có nhiều lúc đau đớn. nhưng tôi học được cách để không nghĩ đó là sự đau khổ. Khi trở lại với cuộc sống thường nhật, tôi vẫn giữ tư duy như vậy.
Đối với tôi, việc giữ tinh thần "không gì là không thể", can đảm bước tới những thách thức mà mọi người cho là quá khó, quá tầm mới là điều quan trọng. Tôi luôn muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Bước vào một cuộc thi, tôi không đặt mục tiêu phải là quán quân mà trước hết phải là phiên bản tốt nhất của bản thân, rồi lần sau tốt hơn nữa, cứ mãi thế thì chuyện là số một, hay một danh xưng nào đó sẽ đến thôi nhưng điều đó không quan trọng bằng việc mình luôn có định hướng tiến lên, không để những giới hạn của người khác áp vào mình.
Giới trẻ Việt Nam rất tài giỏi, cực kỳ linh hoạt, có nhiều tiềm năng. Tôi hi vọng thông điệp, câu chuyện của mình tiếp tục truyền cảm hứng được cho các bạn trẻ. Các bạn đều giỏi, đều táo bạo và có thể vươn xa hơn nữa, trở thành phiên bản tốt nhất của mỗi người. Trong quá trình đó, các bạn cũng có thể khiến đất nước Việt Nam tự hào.
- Cảm ơn những chia sẻ của bạn!