Siêu dự án "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc thành công đáng kinh ngạc ở Campuchia: Hé lộ kỷ lục

Hữu Hiển |

Dữ liệu hải quan Campuchia cho thấy tổng kim ngạch thương mại của các doanh nghiệp tại SSEZ đạt 4,07 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tân Hoa xã (Trung Quốc) trích dẫn dữ liệu hải quan Campuchia công bố hôm 6/1/2025 đưa tin, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đi qua Đặc khu Kinh tế Sihanoukville (SSEZ) của nước này đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024.

Dữ liệu hải quan Campuchia cho thấy tổng kim ngạch thương mại của các doanh nghiệp tại SSEZ đạt 4,07 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước.

Được liên doanh giữa các nhà đầu tư Trung Quốc và Campuchia, Đặc khu Kinh tế Sihanoukville là một dự án trọng điểm trong Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Quang cảnh Đặc khu Kinh tế Sihanoukville (SSEZ) ở tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia. Ảnh: China Daily

Nhà điều hành SSEZ cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, vào năm 2024, đặc khu kinh tế này đã phát triển với chất lượng cao và thúc đẩy sự hội nhập giữa công nghiệp và thành phố.

Thông cáo báo chí còn cho biết quá trình xây dựng phiên bản nâng cấp SSEZ 2.0 đã đạt được bước tiến lớn, lên một tầm cao mới.

Theo thông cáo báo chí, Đặc khu Kinh tế Sihanoukville rộng 11 km2 đã thu hút 28 doanh nghiệp mới vào năm 2024, nâng tổng số doanh nghiệp tại đây lên 202, tạo ra khoảng 32.000 việc làm. Các doanh nghiệp này đến từ Trung Quốc, Mỹ, các nước châu Âu và Đông Nam Á, cũng như các quốc gia và khu vực khác.

Thông cáo báo chí cho biết "SSEZ đã tạo ra động lực mới để làm phong phú thêm khuôn khổ hợp tác ‘Lục giác kim cương’ Trung Quốc - Campuchia và xây dựng Hành lang phát triển công nghiệp của Campuchia".

Neak Chandarith - giám đốc Trung tâm nghiên cứu Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Campuchia - cho biết, SSEZ nằm gần cảng nước sâu Sihanoukville, rất thuận tiện cho việc trao đổi thương mại giữa Campuchia và phần còn lại của thế giới.

"Đặc khu kinh tế này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia và tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương", ông nói với Tân Hoa xã.

"SSEZ, cùng với các dự án quan trọng khác thuộc Sáng kiến Vành đai, Con đường, đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Campuchia đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050", Chandarith nói.

Nhà phân tích chính sách Seun Sam tại Học viện Hoàng gia Campuchia cho biết Đặc khu Kinh tế Sihanoukville là một trong những chất xúc tác chính cho tăng trưởng kinh tế và phát triển thương mại của Campuchia.

"SSEZ là một trong những thành quả ấn tượng nhất của các dự án BRI tại Campuchia", ông nói với Tân Hoa xã. "Đặc khu kinh tế này đã thu hút được nhiều nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy ngành sản xuất của Campuchia, góp phần tạo ra cơ hội việc làm và tăng xuất khẩu".

Theo tờ Khmer Times (Campuchia), ngoài việc Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia, vương quốc này cũng đã nhận được các khoản tài trợ và hỗ trợ từ chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong suốt năm 2024. Ví dụ tiêu biểu nhất là việc Trung Quốc đóng riêng hai tàu hộ tống Type 056 tặng Campuchia.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Campuchia miễn là họ coi Campuchia là đối tác chiến lược có giá trị trong khu vực, và Campuchia sẽ luôn cần sự hỗ trợ để phát triển đất nước, vì vậy họ không thể từ chối sự hỗ trợ của Trung Quốc”, học giả đã nghỉ hưu Pou Sothirak - cố vấn cao cấp danh dự của Trung tâm nghiên cứu khu vực Campuchia (CCRS) - cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại