Thủ đô mới tầm vóc và bền vững hơn
Theo truyền thông Indonesia, kế hoạch di dời thủ đô là một trong những trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Widodo liên quan tới việc tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng, kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Ông Widodo đã có động thái đầu tiên sau khi tái khởi động siêu dự án bằng việc đặt tên thủ đô mới là Nusantara. Trong tiếng Indonesia, Nusantara nghĩa là quần đảo. Ông Widodo cho rằng, đây là danh từ mang tính biểu tượng quốc tế, dễ đọc, dễ nhớ và mô tả đặc thù địa hình của đất nước này.
Thiết kế thủ đô mới của Indonesia. Ảnh: Tribunnews
Nusantara nằm giữa thành phố Samarinda và thành phố cảng Balikpapan, thuộc tỉnh Đông Kalimantan, đảo Borneo, cách Jakarta khoảng 1.400 km. Đây là nơi được thiên nhiên ưu đãi, với mức độ thiên tai thấp nhất cả nước.
Siêu dự án trị giá 34 tỉ USD này được xây dựng theo mô hình thung lũng silicon với phần lớn vốn từ nguồn xã hội hoá và ngân sách nhà nước chỉ chiếm 1/5. Vùng lõi của Nunsantara rộng khoảng 42.000 ha và có khả năng mở rộng lên 360.000 ha. Trong đó, có tới 180.000 ha đất thuộc sở hữu của chính phủ nên sẽ không gây nhiều xáo trộn hay quá tốn kém để giải phóng mặt bằng. Hiện tại, Đông Kalimantan đã có sẵn hai sân bay quốc tế, một cảng biển và tuyến đường cao tốc Balikpapan - Samarinda sắp hoàn thành.
Đóng vai trò là trung tâm hành chính của Indonesia, chính phủ nước này đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ xây dựng các tòa nhà chiến lược, cơ sở hạ tầng cơ bản và phát triển hệ thống giao thông. Việc xây dựng trụ sở, nhà công vụ, cơ sở giáo dục, y tế và nhiều hạng mục khác sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ 2022-2023, tiến tới các bước di dời ban đầu vào quý I/2024.
Theo kế hoạch, các trụ sở tổ chức nhà nước sẽ được chuyển đến thủ đô mới theo từng giai đoạn và quá trình này có thể kéo dài 2-4 năm. Trong khi đó, ngân hàng trung ương và các văn phòng của Cơ quan Dịch vụ tài chính sẽ ở lại Jakarta, bởi nơi đây vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính lớn của đất nước.
Tổng thống Widodo nhấn mạnh: "Nunsantara sẽ sở hữu một hệ thống đô thị hiệu quả, là cứ địa cho các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo, bên cạnh trụ sở các cơ quan chính phủ. Thủ đô mới sẽ có nhiều cơ sở giáo dục đẳng cấp thế giới, bệnh viện hiện đại, công viên và hệ thống giao thông bằng xe điện, hướng tới phát triển bền vững".
Di dời để tạo thế cân bằng
Tìm kiếm một vị trí đặt thủ đô mới của đất nước là vấn đề đã được Indonesia đặt ra từ lâu. Từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào năm 1949 khi Indonesia tuyên bố độc lập, Jakarta hiện là nơi sinh sống của khoảng 12 triệu dân. Tuy nhiên, với hơn 15.000 người trên 1 km2, mật độ dân cư của Jakarta đang cao gấp đôi Singapore. Tình trạng này dẫn tới vấn nạn tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Không những vậy, Jakarta cũng đang chìm nhanh, với 2/5 diện tích đã chìm xuống dưới mực nước biển và một số tỉnh đang chìm với tốc độ 20 cm mỗi năm. Chính vì thế, để giảm tải cho Jakarta thì việc xây dựng một thủ đô mới trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo chính phủ Indonesia, nếu đảo Java, bao gồm thủ đô Jakarta, hiện là nơi sinh sống của gần 60% dân số Indonesia, đóng góp hơn một nửa vào tổng sản phẩm quốc nội của nước này thì tỉnh Đông Kalimantan ở đảo Borneo, chỉ chiếm 5,8% dân số và chiếm 8,2% nền kinh tế. Vì vậy, việc di dời sẽ giúp lan tỏa các hoạt động kinh tế bên ngoài Jakarta, giảm thiểu khoảng cách thu nhập giữa khu vực đông dân nhất Indonesia và các khu vực khác, tạo thế phát triển cân bằng trong cả nước. Ước tính trong 5 - 10 năm tới, sẽ có 1,5 triệu người chuyển đến sống tại Nunsantara.
Một số học giả có tư tưởng bảo thủ thì cho rằng, việc di dời thủ đô chỉ mang lại lợi ích rất nhỏ cho tăng trưởng kinh tế quốc gia trong cả ngắn hạn và dài hạn. Hiện tại, chính phủ nên tập trung xử lý tác động của đại dịch COVID-19 vì điều này sẽ quyết định sự phát triển và thành tựu kinh tế của Indonesia trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về phát triển bền vững lại nhận định, việc di dời thủ đô sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của một số lĩnh vực công nghiệp, chẳng hạn, mang lại lợi ích cho lĩnh vực xây dựng trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn, nó có thể khuyến khích sự phát triển của các ngành khác như tiêu dùng, nhà ở… Điều quan trọng là chính phủ cần cẩn trọng khi đưa ra các chính sách, chú trọng đến cơ hội việc làm của người bản địa, giữ gìn môi trường để không trở thành một Jakarta thứ hai, tránh làm ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái được thiên nhiên ưu đãi của đảo Borneo.
Đặc biệt, Indonesia cần sửa đổi Hiến pháp 1945, đặc biệt là việc bổ sung thẩm quyền của quốc hội trong việc quy định nguyên tắc chính sách nhà nước, đảm bảo tổng thống kế nhiệm sẽ tiếp tục các chương trình quốc gia của người tiền nhiệm, đảm bảo tính liên tục của kế hoạch phát triển thủ đô mới.
Được biết, Indonesia sẽ là quốc gia thứ ba ở Đông Nam Á di dời thủ đô. Trước đó, nước láng giềng Malaysia chuyển thủ đô hành chính đến thành phố Putrajaya vào năm 2003 và Myanmar dời đô đến thành phố Naypyidaw vào năm 2006.