Mông Cổ loại Power of Siberia 2 khỏi chương trình phát triển
Vào ngày 16/8 vừa qua, chính phủ liên minh của Mông Cổ đã vén màn kế hoạch phát triển đến năm 2028, trong đó dự án Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) bất ngờ bị loại bỏ khỏi chương trình.
Trước đó hơn một tháng, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 3/7 thông báo lãnh đạo Nga-Trung Quốc đã chỉ thị các công ty của hai nước sớm nhất trí về các điều khoản cung cấp khí đốt thông qua đường ống Power of Siberia 2. Thông tin được đưa ra sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, Kazakhstan.
Sự tham gia của Mông Cổ là nhân tố then chốt đối với dự án Power of Siberia 2. Phần lớn trong chiều dài 2.594km của đường ống sẽ đi qua quốc gia láng giềng của cả Nga và Trung Quốc này, đòi hỏi Mông Cổ phải tham gia vào các cuộc đàm phán về kinh phí xây dựng và chi phí trung chuyển.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Power of Siberia 2 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Nga khi đóng vai trò "huyết mạch tài chính" giữa bối cảnh Moscow hứng chịu các lệnh cấm vận nghiêm khắc từ phương Tây và tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Biến cố Power of Siberia 2 đã không được đề cập trong cuộc gặp hôm thứ Tư (21/8) tại Moscow giữa Tổng thống Putin với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin sau cuộc gặp: "Trong bối cảnh những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng chưa từng thấy trong một thế kỷ, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hơn nữa sự phối hợp đa phương với Nga".
Tuần báo lâu đời của Anh The Spectator nêu trong bài phân tích hôm 22/8 rằng, những điều không được đề cập trong cuộc gặp giữa ông Lý và ông Putin - bao gồm vấn đề Power of Siberia 2 - phần nào hé lộ căng thẳng gia tăng trong quan hệ đối tác "không giới hạn" giữa hai nước.
Nga lên tiếng về biến cố với Power of Siberia 2
Hãng RT ngày 21/8 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng dự án Power of Siberia 2 vẫn ở mức độ sẵn sàng cao.
Đề cập thay đổi từ phía Mông Cổ, bà Zakharova cho hay, "nếu ban đầu các đối tác Mông Cổ muốn giới hạn vai trò ở một nước trung chuyển [khí đốt], thì nay khả năng sử dụng một phần khí đốt giá rẻ từ dự án để phát triển kinh tế, công nghiệp và hạ tầng của họ đang được cân nhắc."
Bà nhấn mạnh dự án sẽ được triển khai sau khi Nga-Trung nhất trí về giá cả và sản lượng, bổ sung rằng Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đang tiếp tục đàm phán.
Hiện Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia, một phần của Tuyến đường phía Đông.
Đường ống Sức mạnh Siberia 2 là dự án hợp tác giữa CNPC và Gazprom, ước tính mất ít nhất 5 năm để hoàn thành và sẽ cung cấp 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga cho Trung Quốc.
Phần lớn trữ lượng khí đốt khổng lồ ở bán đảo Yamal của Nga ban đầu dự kiến cung cấp cho các khách hàng châu Âu, song cuộc chiến ở Ukraine khiến Nga mất đi hầu hết các khách hàng lớn này và buộc Moscow phải đẩy mạnh nỗ lực phát triển thị trường mới tại Trung Quốc - nước tiêu thụ khí tự nhiên lớn nhất thế giới.
Hé lộ bất đồng giữa Nga-Trung về siêu dự án
Các nhà phân tích cho rằng gián đoạn của dự án có liên quan đến bất đồng giữa Bắc Kinh và Moscow, bên cạnh những yếu tố địa chính trị và lo ngại về các biện pháp cấm vận thứ cấp từ phương Tây nhằm vào các bên bị cáo buộc tiếp sức cho Nga ở Ukraine.
Munkhnaran Bayarlkhagva, cựu quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ, nói với SCMP: "Chúng ta đang bước vào giai đoạn đình trệ dài, khi Moscow không còn tin rằng họ có thể đạt được thỏa thuận như ý muốn với Bắc Kinh và có khả năng tạm gác dự án lại cho đến thời điểm tốt hơn."
Theo ông Bayarlkhagva, Bắc Kinh có thể không hài lòng với hãng năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga vì cho rằng công ty này muốn "đơn phương" kiểm soát đoạn đường ống dẫn khí chạy qua Mông Cổ.
"Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng đột biến và dài hạn tầm ảnh hưởng của Moscow tại Mông Cổ, gây bất lợi cho Bắc Kinh," ông nói. "Dù chưa bao giờ được nói ra rõ ràng, nhưng sẽ là 'công bằng' nếu Trung Quốc được tham gia việc phát triển [đường ống] đoạn qua Mông Cổ ngay từ đầu."
Theo Phó giáo sư Anna Kireeva từ Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), CNPC được cho là đã yêu cầu mức giá mua khí đốt tương tự như với thị trường nội địa Nga. Đòi hỏi này "không phù hợp với Gazprom" bởi việc xây dựng đường ống dẫn khí đòi hỏi "những nguồn lực tài chính rất lớn".
"[Những bất đồng] có thể được khắc phục nếu như dự án mang lại lợi ích cho cả Nga và Trung Quốc, nhưng hai phía cần sẵn sàng cho sự thỏa hiệp lành mạnh," bà Kireeva nói. "Rất khó để đưa ra dự đoán về diễn tiến tiếp theo của cuộc đàm phán."
Vào tháng 6, tờ Financial Times cũng trích dẫn "những nguồn thạo tin" nói rằng đàm phán xoay quanh Power of Siberia 2 đã bị đóng băng bởi phía Nga nhận định các đòi hỏi của Trung Quốc là vô lý.
Cùng nhận định với học giả Nga, chuyên gia về Nga và Trung Á tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải (Trung Quốc) Li Lifan bình luận: "Mông Cổ mong muốn có sự đầu tư từ Trung Quốc và Nga, nhưng Nga thì không có tiền mà Trung Quốc thì không vội vàng xây đường ống."
Tờ Moscow Times hồi tháng 6 dẫn ý kiến của nhà phân tích dầu khí độc lập Mikhail Krutikhin chỉ ra, đường ống đầu tiên là Power of Siberia đã không mang lại lợi nhuận ngay từ đầu bởi mức giá mà Trung Quốc trả cho khí đốt nhập khẩu thấp hơn vài lần so với mức giá trung bình mà châu Âu chỉ trả.
Với đường ống thứ 2, khách hàng Trung Quốc còn đòi hỏi mức giá thấp hơn nữa.
"Gazprom đang ở thế bí trong khi phía Trung Quốc thì có lựa chọn," ông Krutikhin nói. "Các vị (Nga) cứ tự bỏ tiền ra xây đường ống, rồi chúng tôi (Trung Quốc) sẽ không thu mua đầy đủ khối lượng bởi vì chúng tôi không thực sự cần. Còn nếu chúng tôi mua thì sẽ phải theo mức giá nội địa của Nga."
Tương lai mờ mịt của dự án
Nga cần khách hàng cho trữ lượng khí từ mỏ Yamal - kết nối lãnh thổ Nga với Ba Lan và Đức thông qua Belarus. Xung đột Ukraine đã cắt đứt hầu hết liên hệ kinh tế trực tiếp giữa Nga và phương Tây, biến Trung Quốc thành bên mua duy nhất đủ khả năng lấp khoảng trống nhu cầu.
Lĩnh vực năng lượng hiện nay là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Nga. Trung Quốc đã nhập khẩu 75,4 triệu tấn khí đốt từ Nga trong 7 tháng đầu năm 2024.
Zhao Long, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Quản trị Toàn cầu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết hợp tác về năng lượng đòi hỏi phải cân nhắc "các giá trị chiến lược" giữa hai quốc gia đối với Bắc Kinh, đồng thời việc đa dạng hóa nhập khẩu phải dựa trên "một chuẩn mực thị trường tiêu chuẩn".
"Dự án này có tính chất bổ sung cho cả ba quốc gia", SCMP trích lời ông Zhao. "Tôi tin rằng sẽ đạt được đồng thuận về giá cả và các vấn đề kỹ thuật khác. Nó sẽ không còn là vấn đề chưa được giải quyết".
Tại hội nghị SCO vào tháng 7, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh nói với người đồng cấp Nga Putin rằng Mông Cổ đang chờ đợi Nga và Trung Quốc thúc đẩy đường ống, gọi đây là dự án "có tầm quan trọng đối với nền kinh tế".
Aleksei Chigadaev, cựu giảng viên thỉnh giảng tại Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow, mô tả quyết định của quốc hội Mông Cổ là "tỉnh táo" và "hợp lý". Ông coi mốc thời gian năm 2028 là "điểm tham chiếu để quan sát thêm" về khả năng khởi động Power of Siberia 2.
"Vẫn còn quá sớm để tuyên bố dự án đã kết thúc, nhưng biến cố này báo hiệu những thách thức đáng kể", Chigadaev nói với phóng viên đài RFE/RL.
Nhà nghiên cứu John Lough thuộc chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House, đánh giá Trung Quốc ở "cửa trên" trong đàm phán với Nga.
"Trung Quốc đang ở vị thế để mặc cả bởi họ có nguồn cung [khí đốt] đa dạng. Họ muốn mua khí đốt giá rẻ và không có gì ngăn họ đàm phán với điều kiện cứng rắn," Lough nói với Moscow Times vào tháng 6.