Mới nhất là trận động đất mạnh 6,4 độ Richter ở miền Nam Nhật Bản tối 14-4 (giờ địa phương) với tâm chấn nằm tại thị trấn Mashiki thuộc tỉnh Kumamoto. Hơn 130 dư chấn tiếp diễn ở khu vực quanh TP Kumamoto sau trận động đất, kéo dài đến ngày 15-4. Giới chức cảnh báo các dư chấn mạnh vẫn có thể tiếp tục trong vòng 1 tuần.
Trận động đất trên khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, 881 người bị thương và 44.000 người sơ tán, tính đến cuối ngày 15-4. Thiên tai cũng khiến nhiều tòa nhà bị hư hại và phá hủy các cơ sở hạt nhân tại khu vực không bị ảnh hưởng.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết số người chết khó có thể tăng đột biến nhưng chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ vẫn diễn ra. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giải cứu người bị nạn” - Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói với các phóng viên.
Nhà lãnh đạo này dự kiến đến Kumamoto trong ngày 16-4. Hơn 3.000 binh sĩ, cảnh sát và lính cứu hỏa được triển khai và con số này có thể tăng thêm nếu cần. Theo Reuters, trong số những người sống sót được cứu khỏi đống đổ nát có một bé gái 8 tháng tuổi.
Trước đó, một trận động đất mạnh 5,9 độ Richter xảy ra ngoài khơi đảo Mindanao - Philippines rạng sáng 14-4 nhưng không gây thiệt hại.
Tối 12-4, một trận động đất mạnh 6,9 độ Richter làm rung chuyển Myanmar và một số địa phương ở Ấn Độ khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Hai ngày trước, 6 người đã thiệt mạng ở Pakistan khi trận động đất 6,6 độ Richter khiến thủ đô Kabul - Afghanistan chấn động, kèm theo các cơn dư chấn ở Ấn Độ.
Báo Express (Anh) dẫn lời các nhà khoa học cho biết số lượng trận động đất xảy ra ở châu Á - Thái Bình Dương kể từ đầu năm đến giờ cao hơn mức bình quân hằng năm. Riêng ở châu Á, con số này là 9, tức gần 3 vụ/tháng.
Tần suất động đất gia tăng làm dấy lên nỗi lo về khả năng lặp lại thảm họa động đất tương tự vụ ở Nepal năm 2015 khiến 8.000 người thiệt mạng hoặc nghiêm trọng hơn.
“Các điều kiện địa chất hiện nay có thể gây ra ít nhất 4 trận động đất mạnh hơn 8 độ Richter” - ông Roger Bilham, nhà địa chấn học tại Trường ĐH Colorado (Mỹ), cảnh báo.
Trong khi đó, ông BK Rastogi, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu địa chấn tại TP Ahmedabad - Ấn Độ, cảnh báo một siêu động đất có thể xảy ra trong vòng 50 năm nữa ở các bang Kashmir, Himachal, Punjab và Uttrakhand.