Sắc lệnh hành pháp “Buy American and Hire American” (tạm dịch: Mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ) được ông Trump ký nhân chuyến thăm tới trụ sở Công ty Snap-on-Tools ở TP Kenosha, bang Wisconsin.
“Với sắc lệnh này, chúng tôi đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới. Chúng tôi sẽ bảo vệ nhân công, việc làm của Mỹ, cuối cùng đặt Mỹ là ưu tiên hàng đầu” – ông Trump tuyên bố trước các phóng viên.
Quyết định nói trên không có tác dụng thay thế pháp luật hiện hành. Thay vào đó, ông Trump yêu cầu các cơ quan chính phủ, bộ, ngành xem xét lại các chính sách cũng như đề xuất sử dụng nhiều hơn những sản phẩm do người Mỹ làm ra và đẩy mạnh việc thuê nhân công người Mỹ.
Riêng mục “thuê nhân công Mỹ”, ông Trump đề nghị các Bộ Lao động, Tư pháp, An ninh Nội địa và Ngoại giao tìm kiếm bằng chứng liên quan tới tình trạng lạm dụng thị thực đối với người sử dụng lao động và gian lận về phía người lao động.
Sắc lệnh của ông Trump cũng đề cập tới thị thực H-1B vốn cho phép các nhà tuyển dụng Mỹ tạm thuê lao động nước ngoài có tay nghề cao. Hôm 18-4, ông Trump cáo buộc họ lạm dụng H-1B để thuê nhân công nước ngoài, cắt giảm lương của người lao động Mỹ.
Ông kêu gọi 4 bộ Lao động, Tư pháp, An ninh Nội địa và Ngoại giao cải cách hệ thống của mình để đảm bảo thị thực H-1B chỉ được cấp cho những ứng viên có trình độ cao nhất hoặc được trả lương cao nhất.
Tuy nhiên, sắc lệnh của nhà lãnh đạo Mỹ không đả động tới thị thực H-2B vốn cho phép các nhà tuyển dụng Mỹ tạm thuê nhân công nước ngoài (không làm trong lĩnh vực nông nghiệp) theo mùa.
Mùa đông năm ngoái, khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida đã dựa vào thị thực H-2B để thuê 64 nhân viên nước ngoài có mức lương thấp. Theo Bộ Lao động Mỹ, từ năm 2013-2015, Mar-a-Lago đã thuê 250 nhân viên làm việc theo mùa. Bốn trong số họ là công dân Mỹ.
Trong khi đó, phần "Mua hàng Mỹ" trong sắc lệnh của ông Trump nhằm tối đa hóa số lượng hàng hoá do người Mỹ sản xuất. Chúng thường được sử dụng trong các dự án do liên bang tài trợ.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh ủng hộ mua hàng của người Mỹ nhưng một cuộc điều tra của báo The Washington Post cho thấy các dòng sản phẩm thuộc thương hiệu Trump được sản xuất tại 12 quốc gia khác nhau.
Chẳng hạn: "Trump Home furniture" (nội thất) được sản xuất một phần ở Thổ Nhĩ Kỳ và Đức. "Trump vodka" (rượu) được chưng cất ở Hà Lan. Và "Trump sport coats" (áo khoác thể thao) được làm ở Ấn Độ. Ngay cả kính mát của công ty ông Trump cũng có xuất xứ từ Trung Quốc.