Siết hoạt động 'cò nhà đất'

Lê Anh |

Sốt ảo giá đất và đầu cơ nhà đất được dự báo sẽ quay trở lại sau thời gian tạm lắng. Vì vậy, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh quyết tâm xử lý quyết liệt, kịp thời trong thời điểm chỉ còn hơn 2 tháng là vào năm mới 2023.

Cơ quan công an làm việc với nhân viên Công ty bất động sản Đại An Lộc do hành vi rao bán dự án “ma”. Ảnh: CACC.

Cơ quan công an làm việc với nhân viên Công ty bất động sản Đại An Lộc do hành vi rao bán dự án “ma”. Ảnh: CACC.

Sở Xây dựng TPHCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trên địa bàn. Trong danh sách 61 sàn giao dịch được điểm tên, Sở này sẽ kiểm tra 15 địa chỉ đăng ký hoạt động kinh doanh tại TP Thủ Đức, trong đó có các sàn Gia Phát land, Đại phát, Central Global, Vland, Happy Land…

Thời gian qua, Thủ Đức là nơi diễn biến “nóng” nhất của thị trường BĐS, với giá đất có lúc đã được đẩy lên tới hàng tỷ đồng 1 mét vuông nhà đất. Chỉ tính riêng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, giáp ranh quận 1) có thời điểm giá trung bình từ 2,4 - 2,5 tỷ đồng. Đồng thời, nhiều sai phạm trong đấu giá đất tại khu đô thị này cũng đã được phanh phui trong thời gian qua.

Chỉ tính 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm nhưng sau đó bỏ cọc khoảng 1.051 tỷ đồng đã gây những ảnh hưởng rất nặng nề đến thị trường BĐS khu Đông của TPHCM. Trong đó, mức giá đấu giá thành công “khủng” đã đẩy giá nhà đất khu vực lên quá cao đã khiến người dân ngày càng khó tiếp cận về nhà ở, trong khi kế hoạch đấu giá đất công của TPHCM cũng chịu hệ lụy tương tự.

Cùng với việc Sở Xây dựng TPHCM “siết” hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cũng gửi kiến nghị tới UBND thành phố và các bộ ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS.

Trong số 5 dấu hiệu bất ổn đáng quan ngại của thị trường BĐS với biểu hiện giảm tốc, giảm thanh khoản, HoREA cũng cảnh báo các nguyên nhân đến từ “sốt ảo giá đất” và đầu cơ nhà đất.

Do đó, HoREA góp ý sửa đổi khoản 5 Điều 211 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó không cần thiết quy định “việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản” phải “thông qua sàn giao dịch BĐS”.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, thời gian qua hoạt động môi giới đang hoạt động tự do kiểu “cò đất, cò nhà”. Trong lúc trên cả nước hiện có hơn 300.000 người môi giới nhưng chỉ có khoảng 30.000 người môi giới có chứng chỉ hành nghề và đã được đào tạo (10%) hoạt động tại khoảng 2.000 văn phòng môi giới, sàn giao dịch BĐS.

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, đã đến lúc không chỉ các doanh nghiệp, mà các hoạt động môi giới BĐS/sàn giao dịch cũng cần phải có quy định minh bạch, rõ ràng hơn về hành nghề môi giới BĐS.

“Họ phải được đào tạo và phải có chứng chỉ hành nghề, có mã số cá nhân môi giới. Hoa Kỳ đã áp dụng hơn 90% giao dịch nhà đất được người mua tự nguyện lựa chọn giao dịch thông qua Văn phòng môi giới với nhân viên môi giới có giấy phép hành nghề môi giới. Tuy nhiên nhiều địa phương ở nước ta vẫn rất lỏng lẻo trong quản lý đội ngũ này” - Luật sư Tâm nói.

Trên thực tế, do còn quản lý lỏng lẻo và gần như “thả nổi” thị trường môi giới nhà đất, đã khiến không ít các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nảy sinh trong quá trình giao dịch BĐS.

Theo Công an TPHCM, vừa qua đơn vị này đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt nhắm mạnh vào các đối tượng, đường dây chuyên lừa đảo; tổ chức rà soát, quyết liệt đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trong lĩnh vực nhà đất vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro thiệt hại tài sản lớn.

Lý do tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn có “đất sống” phần lớn là do một bộ phận người dân còn nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác, nhất là tâm lý “ham giá rẻ” dẫn đến bị lừa gạt giao dịch các tài sản nhà, đất không có cơ sở pháp lý rõ ràng, dẫn đến thiệt hại về tài sản.

Điển hình là vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vừa được TAND cấp cao tại TPHCM xét xử đối với hai vợ chồng “siêu cò” Nguyễn Văn Minh (SN 1981) và Nguyễn Thị Hằng (SN 1992) cùng ngụ tỉnh Bình Dương. Số tiền mà hai môi giới BĐS này chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới nhiều tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 8/2018 các đối tượng đã thực hiện 11 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền chiếm đoạt là 7,5 tỷ đồng.

Tương tự, đầu tháng 10/2022 Công an quận 10, TPHCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng L.T.N. (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) do có hành vi “rao bán dự án ở quận 10 nhưng ép khách đi mua đất ở tỉnh Bình Dương”.

Cơ quan công an cũng đã làm việc với nhân viên Công ty BĐS Đại An Lộc do có hành vi thông qua trang Facebook “Đất nền quận 10” đã thu hút một lượng khách hàng rất lớn, sau đó tổ chức giới thiệu dự án rầm rộ tại một trung tâm hội nghị ở quận Phú Nhuận. Liên quan đến vụ việc này, nhiều cá nhân, người dân do nhẹ dạ cả tin đã bị các đối tượng “cò đất” dẫn dụ, thông tin sai sự thật để lừa gạt, rất may chưa bị thiệt hại về tài sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại