Thời điểm này, các sĩ tử 2k3 đang ráo riết ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và đang cân nhắc lựa chọn trường học, ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Để có những góc nhìn rõ nét hơn về các ngành học, không ít học sinh chọn kênh thông tin là nhờ sự tư vấn của các sinh viên đang theo học ngôi trường mà mình cảm thấy hứng thú.
Mới đây, trong một group tập hợp các học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội xuất hiện bài đăng nhờ tư vấn và bàn luận về ngành Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo. Khi một sinh viên (tạm gọi là A) thắc mắc rằng ngành này là một ngành học tiềm năng nhưng chưa thấy nhiều cánh tay của các học sinh đăng ký thì một nữ sinh (tạm gọi là B) có vẻ như cũng chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT trả lời rằng: "Tiền đâu mà học!"
Để đáp lại B, A cho lời khuyên với tư cách của một người đi trước rằng mình cố gắng để kiếm học bổng là được. Nhưng có vẻ B không đồng ý với quan điểm của tiền bối nên đã "vặn vẹo" lại: "1 khoa được mấy người được học bổng ạ, chị có được không, khi học gì gia đình đều phải cân nhắc giữa lực học và kinh tế!". Nữ sinh này còn không ngừng chất vấn B đã được học bổng mấy lần.
Trước thái độ gay gắt của B, nhiều người là sinh viên của Đại học Bách khoa đã lên tiếng. Số đông cho rằng, A chỉ đang tư vấn cho B một cách chân thành với tư cách là người đi trước, B không nên chọn cách phản ứng tiêu cực như vậy.
Trong số những người tham gia bình luận, có xuất hiện một tài khoản mang tên Công Minh. Tài khoản này đưa ra quan điểm: "Mình nghĩ bạn nên có một cái nhìn khách quan hơn là tư duy chủ quan như thế, bởi vì đầu tư cho việc học không bao giờ là lỗ cả. Còn về việc có học bổng hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân, sẽ có nhiều loại học bổng và nhiều cách tiếp cận chứ không chỉ có học bổng khuyến khích học tập (PV) của trường.
Tất nhiên là học bổng sẽ giúp đỡ về vấn đề tài chính của gia đình phần nào nhưng học bổng không bao giờ là thước đo chuẩn để đánh giá một sinh viên cả." Ngoài ra, tài khoản này còn nhắc nhở B nên xem xét lại thái độ của mình khi nhận được sự tư vấn chân thành từ người khác thay vì xoi mói.
Có vẻ như B vẫn không hề chịu thua và thay đổi thái độ khi được các anh chị khóa trên nhắc nhở nên cũng tiếp tục vặn vẹo Công Minh rằng: “Nói thì hay, dài, thực tế học có được giỏi không vậy?” Đáp trả lời lẽ cứng đầu này, cậu bạn kia bình tĩnh trả lời: "Mình cũng không có nhiều thành tích và kết quả học tập không cao bằng nhiều anh, chị, bạn bè nhưng có lẽ cũng không quá thua kém ai nếu không muốn nói là có hơn nhiều người."
Bất ngờ hơn là một vài dân mạng đi ngang qua khi thấy "chuyện bất bình" đã ra tay thả nhẹ một vài bài báo có Công Minh là nhân vật chính. Thì ra, anh chàng từng là cựu thí sinh của Đường Lên Đỉnh Olympia. Được biết, danh tính thật của chàng trai này là Vũ Công Minh, sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Anh chàng từng đại diện cho trường THPT Quang Trung, Hải Dương thi Olympia năm thứ 19. Năm đó, 10X có thành tích rất ấn tượng khi là 1 trong 4 thí sinh lọt vào vòng thi Quý 4 và chỉ chịu thua trước Đoàn Nam Thắng, người sau đó là Quý quân của năm. Trước đó, Công Minh nhẹ tênh giành giải Nhất tuần và tháng với số điểm cách biệt.
Sau khi nhận ra mình đã tranh luận sai người với lời lẽ thiếu thuyết phục, B chỉ kịp... chúc mừng người mà mình đã đôi co vì thành tích học tập khủng, còn dân mạng thì "dằn mặt" nữ sinh rằng "trả treo vừa thôi"!
Đến đây thì cuộc khẩu chiến cũng tạm dừng lại và ai cũng công nhận những lập luận mà các anh chị dành cho nữ sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT là hợp lý. Dù nữ sinh có vẻ không đồng tình với những ý kiến mình được tư vấn thế nhưng thái độ bác bỏ một cách mạnh mẽ và tiêu cực là điều mà cô bạn không nên làm. Thay vào đó B cần có cách ứng xử văn minh, khéo léo hơn.
Ảnh: Cap màn hình, Internet