Theo công bố, 2 kỷ lục đó là: “Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam” (4300m2), “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam” (150 diễn viên).
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết, sân khấu rộng 4300m2 như một “điều kiện cần” để vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” được hình thành, phát triển thành từng bố cục rõ nét.
Cụ thể, từ cốt truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, vở diễn thực cảnh này được phát triển, chia thành 6 phần nội dung chặt chẽ: “Thi ca”, “Cõi Phật”, “Hoài cổ”, “Nhạc họa”, “An vui”, “Ngày hội”.
Cảnh ở trong show diễn Tin hoa Bắc bộ
Độ rộng của sân khấu này như một chất xúc tác để các thiết bị âm thanh, ánh sáng thể hiện được vai trò, công dụng đặc biệt của nó trong việc lôi cuốn khán giả.
Ở một khía cạnh khác, vở diễn có dàn diễn viên hùng hậu (250 diễn viên), phần lớn là những người nông dân tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Trải qua liên tiếp nhiều đợt tập luyện, dù khi nắng khi mưa, người nông dân địa phương đã quên đi bỡ ngỡ, cái “tôi” rụt rè, trở thành những diễn viên thực thụ.
Bà Sơn – 70 tuổi, một người nông dân tham gia vở diễn cho biết, nơi bà sống cách sân khấu biểu diễn chỉ vài phút đi bộ. Năm 2016, bà bắt đầu tham gia vở diễn “Tinh hoa Bắc bộ” và đóng vai một người bán hàng trong phân cảnh tái hiện khu chợ làng quê Việt Nam.
Đối với bà, “Tinh hoa Bắc bộ” như một phương thức để phần nào truyền được những giá trị truyền thống từ thế hệ xưa đến lớp trẻ bây giờ.
Còn theo anh Hồng – một diễn viên quần chúng, lấy làm mừng khi vở diễn thu hút khán giả. Anh coi việc diễn xuất trong “Tinh hoa Bắc bộ” như một “nghề tay phải”, công việc này khiến cuộc sống của anh đầy đủ, ổn định hơn.