Shipper tại TP.HCM: ‘Khóc ròng’ vì chuyện xét nghiệm Covid-19

Ngọc Ngân |

Kể từ ngày 16/9, shipper tại TP.HCM được phép hoạt động liên quận. Thế như chuyện xét nghiệm, chi phí đi lại… vẫn là một bài toán khó đối với nhiều shipper.

Shipper tại chốt kiểm soát trên đường Tùng Thiện Vương (quận 8).

Shipper tại chốt kiểm soát trên đường Tùng Thiện Vương (quận 8).

Trước dịch, anh N.T.P (ngụ tại quận 6, TP.HCM) cùng chị gái buôn bán quần áo. Dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài, không có việc làm nên anh phải mở lại tài khoản trên ứng dụng để giao hàng. 

Kể từ khi TP.HCM cho phép shipper hoạt động liên quận, mỗi sáng anh P. phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chờ xét nghiệm tại các trạm y tế lưu động. 

Anh P. chia sẻ thêm: "Hôm nào nhanh thì chờ khoảng 30 phút, những ngày cao điểm, đông shipper quá phải đợi từ 1- 2 tiếng là chuyện bình thường".

Theo chia sẻ của anh P., dù trên báo chí phản ánh thông tin shipper phải lấy mẫu xét nghiệm 3 lần/ngày nhưng thực tế xét nghiệm âm tính chỉ xài được 2 ngày. Ngày 22/9, anh P. cho biết các shipper phải tự trả tiền để xét nghiệm chứ không còn được nhà nước chi trả miễn phí như thời gian đầu nữa. 

Shipper tại TP.HCM: ‘Khóc ròng’ vì chuyện xét nghiệm Covid-19 - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính của shipper

Mỗi ngày, anh có thể chạy được từ 400.000-500.000 đồng, trừ chi phí xét nghiệm ra chỉ còn lại khoảng 150.000-200.000 đồng. Chưa kể, chi phí đi lại, xăng xe cũng nhiều hơn lúc trước vì anh phải đi đường vòng. 

"Trong thành phố giờ có quá nhiều nơi bị chắn bởi hàng rào kẽm gai, mình đi vòng mất nhiều thời gian, tiền xăng cũng bị đội lên. Ở nhà thì không có việc làm, không có thu nhập nên mình phải chấp nhận ", anh P. cho biết.

Theo ghi nhận của P.V, đường phố TP.HCM đã có đông đúc xe cộ hơn. Tại các chốt kiểm soát vào giờ cao điểm, lượng shipper đông đúc dễ gây nên tình trạng ùn ứ. Đa phần các shipper đều được kiểm soát bởi mã công thương, mã QR code và giấy xét nghiệm âm tính. 

Theo số liệu từ Sở Công Thương TP.HCM, trước thời điểm ngày 16/9, lượng shipper công nghệ hoạt động trên địa bàn thành phố có khoảng 20.000 tài xế. 

Ngày 18/9 lượng shipper đăng ký hoạt động tăng lên 33.500 tài xế. Con số tài xế đạt mốc 82.000 người đăng ký tính đến ngày 19/9.

Tuy nhiên, trên thực tế, người đặt hàng trên các ứng dụng vẫn rất khó tìm được shipper. Chị Mỹ Ngọc (ngụ quận 7) chia sẻ: "Sáng 9 giờ đặt đồ ăn, nhưng đến 11 giờ mới có shipper nhận đơn. Hôm qua, mình đã đặt 3 cửa hàng liên tiếp mà không được nhận đơn. Cuối cùng, mình phải gọi đến cửa hàng để nhân viên của họ giao, vì thiếu shipper".

Shipper tại TP.HCM: ‘Khóc ròng’ vì chuyện xét nghiệm Covid-19 - Ảnh 2.

Các shipper phải có QR Code khai báo khi lưu thông trên đường

Bên cạnh đó, nhiều người đã bị kẹt các đơn hàng từ tháng 7/2021. Đến khi shipper liên quận được hoạt động, đơn vẫn chưa được giao". Điều này có thể cho thấy số lượng shipper vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.  

Chị Hà Anh (ngụ quận 8) cho biết: "Trước giãn cách, cửa hàng chúng tôi có 4 shipper dương tính, trong đội ngũ 10 người. Vấn đề xét nghiệm shipper đối với tôi là cần thiết và quan trọng. Các nhân viên tại cửa hàng cũng được xét nghiệm 3 lần/ngày. Tuy nhiên, khi chi phí xét nghiệm không được chi trả nữa, shipper cũng có rất nhiều áp lực. Chưa kể, việc quá tải tại các điểm xét nghiệm lưu động đã khiến nhiều người "bỏ cuộc", phải tự bỏ tiền đi xét nghiệm".

Kể từ ngày 22/9 đến hết ngày 23/9, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật dữ liệu thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin và truyền thông hướng dẫn.

Được biết, toàn bộ xét nghiệm sẽ do Sở Y tế cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công thương theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại