“Em có số tiền là 1 tỷ đồng tiền vốn tự có không vay, theo anh nên đầu tư cái gì?”, một khán giả từng gửi câu hỏi cho Shark Phạm Thanh Hưng trong một buổi hội thảo liên quan đến đầu tư bất động sản cách đây không lâu.
Thay vì trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Phó chủ tịch Cengroup cho rằng điều đầu tiên mà nhà đầu tư này hay bất kỳ ai đều nên cân nhắc chính là chi phí cơ hội.
“Có 1 tỷ nhưng mỗi tháng các bạn kiếm được 100 triệu nữa thì các bạn có thể đầu tư gì đó dài hạn. Còn có 1 tỷ không vay nhưng không có thêm nguồn thu nào khác nữa thì chúng ta nên đầu tư vào một cái gì đó để tạo ra dòng tiền để có thu nhập. Phải nuôi được chúng ta sống đã, chứ đổ vào đâu rồi nó kẹt vào đó thì rất là khó”, shark Hưng chia sẻ.
Theo doanh nhân này bản chất khoản tiền 1 tỷ đồng chúng ta dù đi vay hay không đi vay thì cũng đều là chi phí cơ hội. Nếu là khoản tiền này đi vay thì chịu lãi suất và gọi là chi phí vốn. Trường hợp không vay thì có chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội được hiểu rằng nếu không đầu tư vào bất động sản thì chúng ta luôn luôn có một cách nào đó để có một thu nhập khác.
Cách đơn giản nhất chính là gửi tiết kiệm, không cần làm gì cũng kiếm được 6%đến 7% mỗi năm. Như vậy mặc dù dù không đi vay nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng luôn luôn mất 6-7%. Vì chúng ta đã mất đi khoản đó để sinh lời.
Theo shark Hưng, đó còn chưa kể có nhiều cơ hội khác sinh lời lớn hơn như đưa tiền cho người khác kinh doanh hộ, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh.
Phó chủ tịch Cengroup lấy ví dụ tập đoàn này có hình thức hợp tác đầu tư với mức sinh lời 20-30% cho tổng mức đầu tư dự án. Cụ thể hơn, cách thức này nhà đầu tư sẽ không sở hữu bất động sản mà hợp tác kinh doanh là để ăn chia lợi nhuận chứ không phải ăn chia sản phẩm.
Tuy nhiên shark Hưng cũng lưu ý có một số chủ đầu tư lách luật bằng cách kêu gọi góp vốn mua bất động sản theo tiến độ và kiếm lời khi bán được bất động sản. Ông Hưng gọi đây là hình thức đầu tư cưỡi trên lưng cọp.
Cụ thể đầu tiên nhà đầu tư được kêu gọi bỏ ra 10% (khoảng 1 tỷ đồng), nếu bán thì lãi được 500 triệu tương đương 50% giá vốn. Thế nhưng nếu lỡ bất động sản không bán được thì nộp thêm 10% nữa. Cứ như vậy nhà đầu tư rơi vào vòng xoáy vay tiền từ gia đình đến ngân hàng để rót vốn vào bất động sản.
“Chỉ 1 năm không bán được thôi là nuốt tiêu ngay luôn số 1 tỷ bởi lãi suất giờ là 10%. Nếu chúng ta có 1 tỷ, đi vay 9 tỷ thì mỗi một tháng mất ít nhất 80 triệu. Hơn 1 năm là hết ngay số tiền 1 tỷ của chúng ta”, shark Hưng cảnh báo.
Do đó điều quan trọng theo ông Hưng là phải xác định xem mặc dù chúng ta có 1 tỷ không phải đi vay nhưng khoản tiền này có rảnh rỗi thực sự hay không hay đó là tất cả những gì bạn có. Và cái 1 tỷ này này liệu rằng nhà đầu tư có cơ hội nào khác nữa không.
“1 tỷ đó có thực sự chiếm toàn bộ tài sản của chúng ta hay không hay là chúng ta có 10 tỷ rồi và 1 tỷ dôi dư. Có 10 tỷ nhàn rỗi rồi, bỏ 1 tỷ vào bất động sản cho vui là chuyện hoàn toàn khác. Đó là câu chuyện chính xác 1 tỷ đầu tư vào cái gì. Quan điểm luật chơi mỗi người tự đặt ra cho mình để tìm kiếm loại hình nào phù hợp”, ông Hưng nhấn mạnh.
Ngoài ý kiến trên, shark Hưng cũng cho biết một thực trạng là hiện nay việc vốn hoá, chứng khoán hóa hình thức đầu tư bất động sản tại Việt Nam chưa được phổ biến. Ví dụ như các hình thức bỏ tiền vào quỹ đầu tư, cho người khác đầu tư hộ, tín thác, uỷ thác đầu tư chưa được phổ biến.
Điều này làm mất đi cơ hội cho những người có ít tiền nhưng lại muốn tham gia thị trường bất động sản. Các chuyên gia bất động sản như shark Phạm Thanh Hưng đã nhiều lần kiến nghị cũng như đang cố gắng tìm mọi cách để cho những người ít tiền có thể đầu tư bất động sản.
“Nói thế thôi chứ 1 tỷ đồng đầu tư bất động sản thì không được gì đâu. Nếu đã xác định nhàn rỗi thực sự thì mua 1-2 cái nền, 500 triệu đến 1 tỷ một nền, bỏ đó quên đi 5 năm 10 năm cũng là 1 cách nếu đó thực sự nhàn rỗi. Nghĩa là cho nó ngủ quên 5 năm 10 năm không sao cả. Đó cũng là một cách”, cuối cùng shark Hưng mới tiết lộ cách đầu tư bất động sản với 1 tỷ đồng.
Nhận định về kênh đầu tư đất nền, tại hội thảo online Invest Summit diễn ra gần đây, Shark Hưng cho rằng đây là loại hình đầu tư đặc biệt bởi giá trị nhỏ, mua không phải xây nên ai tham gia cũng được. Tuy nhiên, đất nền là "đuôi" của làn sóng đầu tư, tức khi đất nền "sốt" lên nghĩa là thị trường bất động sản đã bắt đầu đạt đến mức bão hòa.
"Giống chứng khoán vậy. Khi toàn dân đầu tư chứng khoán, từ bà bán rau đến giới sinh viên cũng nói câu chuyện đầu tư chứng khoán thì tức là thị trường đang có vấn đề. Đất nền cũng vậy, đặc biệt đất nền ở các tỉnh".
Theo lãnh đạo của Cengroup, đất nền là sản phẩm đầu tư dài hơi và thường trải qua một vài chu kỳ mới tăng giá. Chính vì vậy, khi đầu tư đất nền, nhà đầu tư cần xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố.