"Chúng tôi không xây dựng, sở hữu hay vận hành bất kỳ một cửa hàng hay điểm bán nào, thay vào đó là dùng công nghệ để giải quyết bài toán luân chuyển hàng hóa quy mô lớn tới hàng tỷ sản phẩm mỗi năm", Giám đốc phát triển Kinh doanh One Mount Group - Trương Quỳnh Phương - chia sẻ trên VnExpress mới đây.
Bà Phương cho rằng mô hình B2B2C đầu tiên tại Việt Nam của VinShop sẽ thay đổi kênh bán lẻ truyền thống.
"Hợp tác giữa VinShop và VinID thông qua Vinshop được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng cho kênh bán lẻ truyền thống, vốn đang chiếm trên 80% thị phần toàn ngành, đồng thời giảm tới 10% giá bán hàng hóa đến tay người tiêu dùng", bà Phương nói.
4 lý do một chủ tiệm tạp hóa sẽ sử dụng VinShop
Bà Phương cho rằng có 4 lý do chính mà một chủ tiệm tạp hóa nên sử dụng VinShop, thay vì các nhà bán buôn truyền thống đã có quan hệ tốt lâu năm.
Thứ nhất, là đơn giản hóa việc quản lý hàng hóa. Trước đây, chủ tạp hóa phải kết nối với hàng chục đầu mối bán buôn, không chỉ tốn thời gian mà việc tính toán xuất nhập hàng hóa, tính toán việc tồn kho... cũng vô cùng phức tạp.
VinShop giúp đơn giản hóa điều này bằng các thao tác nhanh gọn trên app thông qua ứng dụng để đặt một lần được cả trăm mặt hàng đa dạng và chỉ phải nhận một lần duy nhất, phục vụ 24/7.
Thứ hai, đó là việc minh bạch hóa về thông tin và nguồn gốc hàng hóa do được đặt chính hãng từ nhà sản xuất. Đặc biệt, các chương trình ưu đãi, khuyến mại của nhà sản xuất cũng sẽ gửi trực tiếp tới người bán lẻ cuối cùng, điều mà ở kênh phân phối truyền thống, đôi khi, không dễ để cập nhật được đầy đủ và kịp thời.
Thứ ba, đó là chuẩn hóa việc trưng bày, do mỗi lần đặt đều có hàng ngay nên họ chỉ cần đặt vừa đủ, thay vì phải tích trữ để bán dần.
Và cuối cùng, lý do quan trọng nhất là việc VinShop giúp tối ưu hóa lợi nhuận. Các chủ tiệm tạp hoá có cơ hội tăng thu nhập, không chỉ thông qua việc bán hàng thuần tuý, mà sẽ có thêm nguồn thu mới bằng việc tham gia trưng bày hàng hóa các nhãn hàng và nhiều chương trình gắn kết, giới thiệu sản phẩm cho người dùng cuối của VinID liên tục được tổ chức.
Nước cờ tài chính sau động thái hỗ trợ cả trăm nghìn tiệm tạp hóa
Bà Phương cho biết tất cả các giao dịch bán hàng đều được hệ thống VinShop ghi nhận. Đây là dữ liệu giúp các tổ chức tài chính đánh giá về năng lực bán hàng của tiệm làm cơ sở để cho vay vốn.
Trong tương lai gần, VinShop còn có kế hoạch kết hợp với ngân hàng Techcombank ra mắt các giải pháp tài chính như bán hàng trả chậm, cho vay ưu đãi để hỗ trợ các chủ cửa hàng tạp hoá kinh doanh thuận lợi hơn với nguồn vốn dồi dào.
Ngoài ra, với việc kết hợp với app VinID, nền tảng sẽ cho người tiêu dùng biết xung quanh họ đang có những cửa hàng gì, bán mặt hàng gì, đang có khuyến mại gì... Tất cả sẽ giúp tăng lượng khách hàng và doanh thu cho các tạp hóa mà không cần tốn thêm tiền vốn hay mặt bằng.
Về mục tiêu của VinShop, sếp One Mount Group cho biết từ mốc hơn 20.000 tiệm tạp hóa tại Hà Nội và TPHCM tham gia hiện tại, VinShop sẽ mở rộng hoạt động tới các tỉnh thành khác.
"Mục tiêu đến năm 2022, số lượng đối tác gia nhập hệ thống dự kiến sẽ đạt 300.000 tiệm trên cả nước", bà Phương nói.
Theo một thống kê của Nielsen năm 2018, 75% miếng bánh thị trường bán lẻ đang nằm tại hơn 9.000 chợ và 1,4 triệu tiệm tạp hóa truyền thống, với doanh số 10 tỷ USD mỗi năm.
Bên cạnh mang lại lợi ích của chủ tiệm tạp hóa, nhà sản xuất, người tiêu dùng cũng sẽ có cơ hội mua hàng với giá giảm tới khoảng 10%, do tối ưu tới 15% chi phí toàn chuỗi.
"Thế chân kiềng cho thị trường bán lẻ gồm: Cộng đồng doanh nghiệp bán hàng tốt hơn, hàng trăm nghìn tiệm tạp hóa kinh doanh hiệu quả hơn, hàng triệu khách hàng tiết giảm được chi phí sinh hoạt nhờ được mua hàng với giá rẻ hơn sẽ tác động tốt tới sự phát triển của ngành bán lẻ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong tương lai", bà Phương nói.