Sếp nhờ 5 điều này nhất định phải từ chối: Thứ nhất giúp nhận lỗi, thứ hai giúp giám sát người khác, điều cuối nghe mà "rén ngang”

Ứng Hà Chi |

Không phải lúc nào bạn cũng cần nghe lời sếp tuyệt đối.

Tại nơi làm việc, dĩ nhiên bạn phải nghe theo chỉ đạo từ cấp trên. Người lãnh đạo sẽ luôn giao cho bạn những nhiệm vụ và yêu cầu phải hoàn thành. Thực tế có nhiều việc bạn không thích, không muốn làm nhưng vẫn phải thực hiện. Vì đó là trách nhiệm, nhiệm vụ và vì bạn không muốn làm mất lòng sếp.

Tuy nhiên, bạn phải có cái đầu "lạnh", biết phân biệt giữa việc nên làm và không nên làm. Nếu sếp giao cho bạn 5 việc sau đây thì tốt nhất nên từ chối để tránh rước họa vào thân.

1. Giúp sếp nhận lỗi trong công việc

"Nhân vô thập toàn", con người không thể tránh khỏi việc làm sai. Một người quản lý, người lãnh đạo cũng sẽ phạm sai lầm trong công việc của mình. Nhưng họ lại không sẵn sàng chịu trách nhiệm, đặc biệt nếu đó là sai lầm nghiêm trọng, để lại vết nhơ ảnh hưởng tới thanh danh.

Lúc này, một số ông chủ không có đạo đức có thể tiếp cận cấp dưới, bắt ép nhân viên chịu trách nhiệm trước lỗi sai thay cho mình. Tất nhiên với nhiệm vụ làm "bia đỡ đạn", sếp sẽ hứa hẹn trao cho nhân viên vô vàn lợi ích. Vì thế không ít người bị lợi ích làm mờ mắt.

Sếp nhờ 5 điều này nhất định phải từ chối: Thứ nhất giúp nhận lỗi, thứ hai giúp giám sát người khác, điều cuối nghe mà rén ngang” - Ảnh 1.

Nếu chẳng may bạn rơi vào trường hợp oái oăm này thì cần dứt khoát từ chối bởi vì không dễ để được thưởng tiền bạc, vật chất hay được thăng chức như lời hứa hẹn. Đừng nên tin vào những lời ngụy biện đó.

Hơn nữa, nếu bạn đứng ra nhận trách nhiệm thay sếp, bạn sẽ nắm được những bí mật động trời, những lỗi sai khác của sếp. Và sếp dĩ nhiên không để yên cho bạn trong chuyện này, sẽ sớm tìm cách loại bỏ bạn . Đừng dại dột nhận lỗi thay sếp, có khi một ngày mất việc như chơi.

2. Giúp sếp giám sát đồng nghiệp khác

Dù bạn là người thân cận sếp tới đâu cũng đừng giúp sếp giám sát đồng nghiệp khác, nhất là khi thực hiện việc này lộ liễu. Bởi như vậy bạn sẽ là tâm điểm chú ý, bị đồng nghiệp xa lánh. Trong mắt họ, bạn là kẻ chuyên mách lẻo, không thể kết thân. Và bạn sẽ vô tình bị cô lập nơi công sở.

Ở công ty, để hoàn thành công việc hay một dự án, thông thường cần sự cộng tác của nhiều bộ phận khác nhau. Nếu bạn là bị cô lập, xa lánh, vậy bạn sẽ hoàn thành công việc của mình như thế nào? Làm sao bạn có thể có cơ hội thăng tiến, tăng lương nếu không hoàn thành?

3. Làm những việc trái đạo đức, vi phạm quy định công ty

Ở nơi công sở, dù sếp sắp xếp, đùn đẩy hay bắt ép bạn làm việc trái đạo đức, trái pháp luật, bạn đều phải lập tức từ chối. Bởi những việc này sẽ phá hủy thanh danh của bạn, gây nên hậu quả nghiêm trọng. Bạn sẽ có nguy cơ bị sa thải, thậm chí là vướng vào vòng lao lý.

Chính vì thế, dù nhận được lời hứa hẹn hấp dẫn từ sếp tới đâu cũng tránh xa. Bạn cần biết từ chối, thể hiện rõ ràng quan điểm của bản thân.

Sếp nhờ 5 điều này nhất định phải từ chối: Thứ nhất giúp nhận lỗi, thứ hai giúp giám sát người khác, điều cuối nghe mà rén ngang” - Ảnh 2.

4. Làm những việc không ai làm

Nếu sếp giao cho bạn những công việc cũ còn tồn đọng mà chưa ai xử lý được thì nên cân nhắc. Bởi đằng sau đó, 9/10 là một cạm bẫy. Trong công ty luôn có những người tài năng, thông minh hơn bạn. Vậy tại sao những người đó lại không nhận công việc này? Chắc hẳn họ đã nhìn ra một số điều không tốt.

Đương nhiên lúc này bạn cần tỉnh táo phân biệt: Những người khác không nhận công việc do không có khả năng, không thể tiếp nhận hay đằng sau đó là một âm mưu và họ đã nhìn thấu vấn đề.

5. Sếp muốn thay đổi kế hoạch phát triển sự nghiệp của bạn

Nếu muốn phát triển tốt ở nơi làm việc, dĩ nhiên bạn cần có thời gian tập trung lập kế hoạch và hoàn thành từng mục tiêu. Chuyện này không thể diễn ra một sớm một chiều mà phải từng bước đi lên.

Chính vì thế, nếu công việc mà sếp giao cho bạn khác với kế hoạch nghề nghiệp mà bạn đã vạch ra từ đầu thì nên cân nhắc. Chẳng hạn nếu công việc liên ngành, liên phòng ban, bạn sẽ phải học lại từ đầu. Trong trường hợp bạn không thích nghi được, không có kinh nghiệm, bạn sẽ không phát triển được công việc, thậm chí là bị đào thải.

Ngay cả khi bạn có thể nhanh chóng thích nghi với công việc mới nhưng khách quan mà nói, xuất phát điểm của bạn sẽ thấp hơn người khác. Và bạn phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức để cố gắng từ đầu.

Ở nơi làm việc, bạn nhất định phải có quy tắc cho riêng mình. Tốt nhất không nên thực hiện 5 yêu cầu trên mà lãnh đạo đưa ra, nếu không bạn sẽ chịu thiệt thòi, khó phát triển được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại