Sếp Google khẳng định: Một lĩnh vực của Việt Nam sẽ tăng trưởng thần kỳ, đến năm 2030 đạt 220 tỷ USD

Dy Khoa |

Con số này tương đương gần một nửa GDP hiện tại của Việt Nam.

- Lãnh đạo Google: Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 11 lần vào năm 2030, đạt mức 220 tỷ USD.

- Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn từ 2023 đến 2025 là 20%.

- Thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.

Mới đây, trong một sự kiện, ông Marc Woo - Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 11 lần vào năm 2030, đạt mức đáng kinh ngạc 220 tỷ USD, tương đương gần một nửa GDP hiện tại của Việt Nam. AI là một trong những yếu tố then chốt để hiện thực hóa dự báo trên".

Ông Woo cũng nói thêm hệ sinh thái startup của Việt Nam đã tăng lên 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp trong 8 năm, gần như đuổi kịp các hệ sinh thái phát triển như ở Singapore và Malaysia.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2023, nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bậc, gấp 8 lần chỉ trong 8 năm, đạt giá trị kinh tế 100 tỷ USD. Sự chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng này, kết hợp với sự sẵn sàng về AI của khu vực giúp Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam dự báo có thể đạt được lợi ích kinh tế lên tới 835 tỷ USD từ AI vào năm 2030.

Sếp Google khẳng định: Một lĩnh vực của Việt Nam sẽ tăng trưởng thần kỳ, đến năm 2030 đạt 220 tỷ USD- Ảnh 1.

Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 11 lần vào năm 2030.

Đại diện Google cho rằng với cộng đồng khởi nghiệp năng động, tỷ lệ người trẻ am hiểu công nghệ chiếm 20% tổng dân số, và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua chiến lược quốc gia về AI, Việt Nam có vị thế tốt để tận dụng cơ hội AI.

Trước đó, hồi tháng 3, Google kết hợp Temasek và Bain & Company công bố báo cáo tổng quan về nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự tăng trưởng của kinh tế số.

Theo đó, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025 nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn từ 2023 đến 2025 là 20%, trong đó các ngành cụ thể như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, gọi xe công nghệ và đặt đồ ăn trực tuyến, truyền thông trực tuyến đều có tỷ lệ tăng trưởng từ 15% đến 22% trong giai đoạn này.

Tăng trưởng kinh tế số Việt Nam 2023-2025 là 20%

Theo báo cáo tháng 3, 3 thành phố lớn có sự tham gia kỹ thuật số cao nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cũng tăng trưởng nhanh chóng so với mức tăng trưởng ban đầu, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng từ 13% cho đến 28% trong giai đoạn 2023-2025 của các nhóm ngành thanh toán kỹ thuật số, cho vay kỹ thuật số, bảo hiểm số và quản lý tài sản kỹ thuật số.

Nhóm người dùng chi tiêu cao có mức mua sắm cao hơn trung bình 5,4 lần so với nhóm người dùng có mức chi tiêu thấp hơn. Cụ thể, chi tiêu cho trò chơi chênh lệch gấp 6,7 lần; cho gọi xe là 6,1 lần; cho thương mại điện tử là 5,5 lần; giao đồ ăn là 5,1 lần; du lịch là 4,9 lần…

Cũng theo thống kê trong báo cáo, giá trị đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực mới nổi cũng gia tăng vào nửa đầu năm 2023. Đây là những lĩnh vực còn tương đối non trẻ ở Đông Nam Á như các doanh nghiệp B2B, công nghệ y tế (medtech), công nghệ giáo dục (edtech), công nghệ cao, AI, Web3, Bitcoin, Tiền mã hóa, các nền tảng mua bán bất động sản, ô tô…

Sếp Google khẳng định: Một lĩnh vực của Việt Nam sẽ tăng trưởng thần kỳ, đến năm 2030 đạt 220 tỷ USD- Ảnh 2.

Tại Việt Nam, ba thành phố lớn có sự tham gia kỹ thuật số cao nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, đầu tư tư nhân còn tập trung vào các lĩnh vực Du lịch, Thực phẩm và Vận tải, Truyền thông số, Thương mại điện tử, DỊch vụ tài chính số.

Báo cáo cũng cho biết: Thị trường truyền thông kỹ thuật số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu nội địa lớn của các doanh nghiệp trong nước. Gaming, đặc biệt là game mobile, đang phát triển đặc biệt nhanh chóng, với một số các nhà phát triển game nội địa đã đạt được thành công trên trường quốc tế. Các nhà cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến theo yêu cầu cũng tiếp tục giữ vai trò nổi bật, ngay cả khi nạn vi phạm bản quyền gây khó khăn cho mô hình đăng ký.

Đồng thời, thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, hoạt động đầu tư của các ngân hàng thương mại và sự phổ biến ngày càng tăng của mã QR. Xu hướng này được dự báo sẽ tăng tốc khi Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại