Sếp ByteDance tính lại thương vụ bán TikTok ở Mỹ

Linh Anh |

Quy định mới của Trung Quốc trong việc xuất khẩu công nghệ đã khiến Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance, tính lại các phương án cho việc bán TikTok ở Mỹ mặc những áp lực của Chính quyền Trump.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ép buộc TikTok phải bán hoạt động kinh doanh ở Mỹ, lựa chọn của ByteDance dường như đang bị thu hẹp khi Bắc Kinh ban hành luật mới, yêu cầu các doanh nghiệp như ByteDance phải có sự gật đầu của chính quyền để có thể "xuất khẩu công nghệ".

Sau khi luật mới được công bố, nhà sáng lập ByteDance Zhang Yiming cho biết họ đang xem xét lại những lựa chọn với TikTok ở Mỹ và cân nhắc những tác động khi có sự tham gia của Chính quyền Trung Quốc. Hiện tại, nhóm quản lý của công ty và các chuyên gia đàm phán đang làm việc cùng nhau để thảo luận về việc có thể tạo ra một thương vụ mà được sự đồng ý của cả 2 chính phủ hay không. Các nguồn tin tiết lộ điều này với điều kiện giấu tên.

Sếp ByteDance tính lại thương vụ bán TikTok ở Mỹ - Ảnh 1.

Hiện tại, Microsoft và Oracle đang tiến hành đàm phán sâu để mua lại TikTok ở Mỹ. Họ cũng tìm kiếm cam kết của Chính quyền Trump trong việc ủng hộ thương vụ này. Microsoft đang hợp tác cùng Walmart Inc., trong khi Oracle đã giành được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư mạo hiểm như Sequoia Capital.

Tuy nhiên, sự tham gia vào phút chót của Bắc Kinh làm tăng khả năng Zhang sẽ tiếp tục cho TikTok hoạt động ở Mỹ sau thời hạn 15/9 mà Tổng thống Trump đưa ra trước đó. Thậm chí, Zhang còn có thể rút lui hoàn toàn khỏi các thỏa thuận. Một nguồn thạo tin cho biết, việc cần có cái gật đầu của cả Mỹ và Trung Quốc cùng với sự phức tạp của thương vụ sẽ khiến một thỏa thuận chỉ có thể đạt được sau cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ.

Rebecca Fannin, tác giả cuốn sách Tech Titans of China và là người sáng lập Silicon Dragon Ventures cho biết: "Tôi không chắc có giá nào xứng đáng với sự tự tôn. Ngay từ đầu, Zhang đã muốn xây dựng một công ty toàn cầu. Nếu không có thị trường Mỹ, anh ta không thể thực hiện được tham vọng đó. Anh ta là một nhà kinh doanh tài ba, có tư duy độc lập quyết liệt. Anh ta có thể sẽ quyết định chẳng có thỏa thuận nào cả".

Hiện nay, các cuộc đàm phán vẫn được tiến hành trôi chảy và vẫn có khả năng Zhang sẽ tiếp tục theo đuổi thương vụ bán TikTok ở Mỹ. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận với người mua không có nghĩa là giao dịch hoàn thành bởi sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc.

Zhang, lập trình viên 37 tuổi được đào tạo bài bản, là con sói đơn độc trong ngành công nghệ Trung Quốc. Zhang từ chối nhận tiền từ các nhà đầu tư như Tencent Holdings Ltd. hoặc Alibaba Group Holding Ltd., những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Liên tiếp bị kiểm duyệt nhưng Zhang vẫn xoay xở với Douyin, TikTok phiên bản Trung Quốc, và trở thành một ngôi sao trong lĩnh vực Internet đang lên ở nước này. Bản chất là một chiến binh, Zhang có nhiều lý do để chống lại việc bán TikTok trong cuộc đụng độ với ông Trump.

Thực tế, Zhang và công ty của anh ta không cần tiền. ByteDance hiện có giá 140 tỷ USD. CB Insights cho rằng công ty của Zhang tạo ra hơn 3 tỷ USD lợi nhuận ròng từ hơn 17 tỷ USD doanh thu vào năm 2019. Các ngân hàng đầu tư đang bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch lên sàn của ByteDance tại Trung Quốc đại lục hoặc Đặc khu Hành chính Hồng Kông ngay cả khi nó bị giám sát chặt chẽ bởi Mỹ.

Ở Trung Quốc hiện nay, đang có một làn sóng IPO của các công ty công nghệ và chúng được các nhà đầu tư điên cuồng săn đón. Thậm chí, lượng cổ phiếu IPO có khả năng vượt đỉnh bong bóng dot-com. Zhang có thể kiếm hàng tỷ USD cho dù ông Trump có làm gì đi chăng nữa.

Cũng quan trọng không kém, nếu Zhang bán TikTok ở Mỹ, anh ta sẽ không bao giờ lấy lại được nó. Zhang sẽ từ bỏ quyền kiểm soát đối với món tài sản có hơn 100 triệu người dùng từ Mỹ và đang trên đà kiếm tiền từ nó. Nếu TikTok bị cấm ở Mỹ, kết quả là ngay lập tức nó sẽ biến mất khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google và các bản cập nhật phần mềm sẽ bị tạm ngừng. Tùy thuộc vào cách Bộ Thương mại Mỹ giải thích lệnh hành pháp của ông Trump, nó cũng có thể cắt đứt quyền truy cập của TikTok vào các dịch vụ lưu trữ đám mây, quan trọng để duy trì dữ liệu và phát trực tuyến.

Tuy nhiên, giới trẻ Mỹ vẫn có thể tải ứng dụng nếu họ muốn thông qua việc vượt rào các hạn chế trong nước bằng cách nhận phần mềm từ nước ngoài. Trong thời gian chờ đợi, TikTok có thể tiếp tục hoạt động ở phần còn lại của thế giới (trừ Ấn Độ vì nó cũng đã bị cấm) và tiếp tục phát triển. Nó cũng để ngỏ khả năng quay lại Mỹ nếu có sự thay đổi động lực chính trị.

Ngoài ra, ByteDance đang tìm hiếm một quyết định của tòa án Mỹ nhằm ngăn chặn lệnh cấm của ông Trump. Sau cuộc bầu cử tháng 11, ByteDance hy vọng vào việc Chính quyền mới sẽ không coi đóng cửa TikTok là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh nền kinh tế này quay cuồng vì dịch bệnh cùng những căng thẳng leo tháng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, từ kinh tế tới địa chính trị.

Trong khi đó, động thái của Bắc Kinh có thể mang lại lợi ích cho Zhang. Ding Chenling, một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, cho biết, yêu cầu phê duyệt từ Bắc Kinh cho Zhang một lý do không thể chính đáng hơn để lùi thời hạn cấm cử của ông Trump. Ngay cả khi các bên đạt thỏa thuận, việc chờ tới 30 ngày để có được cái gật đầu của Bắc Kinh là điều hoàn toàn không đáng ngạc nhiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại