“Tôi muốn gửi lời cảm ơn ông Bohuslav Safar vì đã có thời gian dài làm việc tại Viện nghiên cứu quân sự”, Bộ Quốc phòng Séc dẫn lời người đứng đầu cơ quan này là bà Carla Slechtova.
Theo RT, ông Safar vẫn là nhân viên của Viện nghiên cứu quân sự. Tuy nhiên, cương vị ông từng đảm nhận sẽ do Phó giám đốc cơ quan này tạm nắm quyền để chờ người mới được bổ nhiệm. Hiện lý do ông Safar bị sa thải chưa được tiết lộ.
“Rõ ràng, quyết định sa thải có liên quan tới vụ Novichok”, ông Safar cho hay.Chia sẻ với trang tin Aktualne của Séc, ông Safar cho biết bản thân ông cũng không nhận được bất cứ lời giải thích nào về việc bị sa thải. Song theo ông Safar, việc ông bị sa thải và tuyên bố trước đó liên quan tới chất độc “Novichok” rõ ràng là có mối liên quan.
Hồi tháng Ba, ông Safar đã chia sẻ với kênh truyền hình Séc CTK rằng, phòng nghiên cứu của ông này đã sản xuất A-230, một loại chất độc thần kinh hay còn gọi là “Novichok”. Đây cũng là chất độc được cho dùng để hạ độc cha con cựu điệp viên hai mang Sergey Skripal ở Anh. Ngay lập tức, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã cáo buộc Nga là thủ phạm ra tay sát hại cha con ông Skripal.
Ông Safar cũng nhấn mạnh, phòng nghiên cứu quân sự của Séc chỉ sản xuất một lượng nhỏ chất A-230 để phục vụ nghiên cứu.
Hồi đầu tháng Năm, Tổng thống Séc Milos Zeman cũng đã thừa nhận Séc từng thử nghiệm “Novichok”. Nhưng sau đó, Thủ tướng Séc Andrej Babis lại khẳng định, những tuyên bố của ông Safar chỉ là “chuyện đáng tiếc” và tuyên bố của ông Zeman cũng đã “gây hiểu nhầm”.
Trong khi đó, giới chức Séc thừa nhận nước này đã thử nghiệm A-230 nhưng với hàm lượng rất nhỏ và an ninh được thắt chặt để chất độc không thể bị rò rỉ ra bên ngoài. Ngoài ra, giới chức Séc nhấn mạnh, chất A-230 của Séc hoàn toàn khác với chất độc được dùng để sát hại cha con cựu điệp viên hai mang Skripal.
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia được phát hiện bất tỉnh gần một trung tâm mua sắm tại Salisbury của Anh vào ngày 4/3. Ngay lập tức, Anh đã cáo buộc Nga tiến hành vụ ám sát bằng chất độc này. Nga lên tiếng phủ nhận khi nói rằng, London không đưa ra được bằng chứng xác thực chứng minh cáo buộc của mình.
Không lâu sau đó, London đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, và một loạt các nước phương Tây cũng có động thái tương tự, buộc Nga phải đáp trả tương xứng.