SEA Games: Tư tưởng "ao làng" hay cuộc thi "ao làng"?

Lyn Vũ |

Có lẽ chúng ta cần có cái nhìn khách quan hơn trước khi "trao" cho SEA Games cái tên "Ao làng Đông Nam Á".

Từ lâu, mọi người thường sử dụng hai chữ "ao làng" để nói về Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á với hàm nghĩa mỉa mai, khinh miệt. Sự bức xúc của người dân được đẩy lên cao khi SEA Games 29 đang diễn ra tại Malaysia với quá nhiều tiêu cực khiến phần đông khán giả Việt tẩy chay và lên tiếng đòi "dẹp" cuộc thi "ao làng" này.

Trên khắp mạng xã hội và nhiều diễn đàn khác, đâu cũng thấy các bài viết và bình luận đề cập tới việc cần loại bỏ SEA Games để dồn sức cho một số cuộc thi tầm cỡ quốc tế khác.

Dù không phủ nhận còn những khiếm khuyết như lộn xộn trong công tác tổ chức, nước chủ nhà tự thêm giảm các môn thi đấu hay tình trạng trọng tài xử ép, v.v… nhưng có lẽ SEA Games nên được nhìn nhận khách quan hơn trước khi bị phán xét là nhảm nhí, vô bổ.

SEA Games là một sân chơi khu vực nhưng hết sức cần thiết để các VĐV thử sức, đúc rút kinh nghiệm, tôi luyện bản lĩnh và tránh ngỡ ngàng khi đối mặt với những "cơn sóng lớn" của đấu trường thể thao châu lục và thế giới.

Sự chú trọng về chất luôn cần thiết và quan trọng hơn về lượng. "Tiểu Tiên Cá" Ánh Viên từng đạt HCB ở một cự li thử nghiệm tại SEA Games 27 nhưng HLV của cô gái sinh năm 1996 không hài lòng vì những chỉ số cá nhân trong trận đấu ấy không đạt theo yêu cầu huấn luyện của ông.

SEA Games: Tư tưởng ao làng hay cuộc thi ao làng? - Ảnh 1.

Ánh Viên lại có một kì SEA Games thành công với 8 HCV SEA Games, phá 3 kỷ lục.

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân cho rằng, SEA Games chỉ là một hình thức "tự sướng" của thể thao khu vực. Nếu chỉ là "tự sướng" thì điều gì lí giải cho những giọt nước mắt tức tưởi của VĐV Nguyễn Thị Việt Anh và Suat Li Michelle (VĐV Singapore) khi cùng bị chia vàng (đáng lẽ cả hai nên cười) ở nội dung nhảy cao.

Điều gì lí giải cho việc các VĐV của chúng ta phải đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt suốt bao tháng trời để giành lấy vinh quang. Người hâm mộ thể thao Việt Nam cần phải công nhận những nỗ lực và tinh thần quyết tâm như vậy. Để từ "ao làng" ra "biển lớn" quốc tế, trước hết các VĐV phải vượt qua được những người Thái, người Singapore hay Malaysia,…

Một ngôi nhà vững chắc cần xây dựng từ những viên gạch nhỏ nhất. Một nền thể thao lớn mạnh và phát triển cần tạo dựng từ những trận đấu và bài học nhỏ nhất. Hãy đánh giá bằng thực lực.

Nếu có cái nhìn thực dụng và suy nghĩ ăn thua đủ để lấy huy chương thì thể thao Việt Nam mãi dậm chân, tụt hậu ngay tại "ao làng" như chúng ta luôn nhắc tới. Và trước khi gọi SEA Games là cuộc thi "ao làng", chúng ta cần nhìn lại xem Việt Nam đang ở vị trí nào trong cái "ao làng" ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại