Khim Bun Leak, cựu sinh viên người Campuchia của trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội.
Dọc Đại lộ Preah Norodom, từ Tượng đài Độc lập đến chùa Wat Phnom, nơi linh thiêng bậc nhất và được coi là nơi khởi sinh ra tên gọi của thành phố Phnom Penh, đèn lồng tre và đèn ông sao lung linh rực sáng. Hai bên đường là các tấm áp phích quảng bá SEA Games 32 , nhắc nhở rằng kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á mà Campuchia lần đầu đăng cai đã tới thật gần.
Khung cảnh cờ hoa cũng được nhìn thấy ở con đường dẫn đến Khu liên hợp Thể thao quốc gia Morodok Techo hay sân Prince. Tuy nhiên, các con phố khác tại Phnom Penh lại khá trầm, thỉnh thoảng mới thấy tấm áp phích SEA Games 32.
Cách đây không lâu, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã yêu cầu chính quyền Phnom Penh chú trọng trang hoàng thủ đô và làm sạch đường phố. Sáng 2/5, công việc vẫn đang tiến hành. Một số nơi lát lại vỉa hè trong khi một số chỗ khác, đội vệ sinh đô thị cắt tỉa lại cây xanh.
Cây xanh được cắt tỉa và lát lại vỉa hè ở Phnom Penh nhằm hướng đến SEA Games 32.
Theo Khim Bun Leak, cựu sinh viên người Campuchia của trường Kiến Trúc Hà Nội, người dân Campuchia rất mong chờ SEA Games 32. Nhưng một phần vì xứ chùa tháp có dân số ít (chưa đầy 17 triệu người), phần vì kinh tế đi xuống sau đại dịch Covid-19, nên không thể tạo nên sự sôi động ở khắp mọi nơi như mong đợi.
“Trong 2, 3 năm trở lại đây, việc làm ăn trở nên khó khăn hơn. Thế nên ưu tiên hàng đầu hiện nay của mọi người là làm sao để cải thiện đời sống kinh tế”, Leak chia sẻ với Báo Tiền Phong, sau khi xin lỗi vì lâu lắm mới được nói tiếng Việt, “Như anh thấy, không phải nơi nào cũng cờ hoa rực rỡ. Để tổ chức SEA Games 32, đất nước chúng tôi đã phải rất cố gắng”.
Thế nhưng dù còn nhiều khó khăn, Campuchia vẫn thể hiện tấm lòng rộng rãi khi miễn phí ăn ở cho các đoàn thể thao và miễn phí vé vào cửa. Leak nói về điều đó một cách đầy tự hào, bên cạnh hy vọng sự kiện này sẽ thu hút nhiều du khách tới xứ chùa tháp: “Du lịch đóng vai trò quan trọng trong kinh tế Campuchia. Covid-19 khiến mọi thứ bị đình trệ và dòng người tới đây suy giảm. Việc tạo nên một kỳ SEA Games miễn phí có thể là chất xúc tác để đưa các du khách trở lại nơi đây, qua đó vực dậy nền kinh tế”.
Leak tốt nghiệp trường Kiến trúc năm 2016. Mặc dù yêu Việt Nam và thích cuộc sống ở Hà Nội, nhưng anh phải về Campuchia. “Bố mẹ đã già trong khi tôi là anh cả, nên có trách nhiệm chăm lo cho gia đình. Thêm nữa, kiến trúc ở Campuchia chưa phát triển. Đó là lý do tôi sang Việt Nam học tập, sau đó trở về xây dựng quê hương”, Leak cho biết, sau đó bày tỏ “rất nhớ, nhớ lắm” Hà Nội, nơi “có nhiều kỷ niệm về bạn bè, thầy cô một thời rất thân thiết”.
Hai cậu bé Campuchia chơi bóng chuyền dưới trời nắng nóng lên đến 34 độ C.
Chàng kiến trúc sư cũng bị ấn tượng bởi niềm đam mê thể thao, nhất là bóng đá của người dân Việt Nam. Cảnh tượng tất cả đổ ra đường phố để ăn mừng chiến thắng của đội tuyển là điều không có ở Campuchia. Theo lý giải của Leak, người Campuchia có nhiều vấn đề phải lo trước khi nghĩ tới thể thao và bóng đá.
“SEA Games 32 cũng là cơ hội để thúc đẩy thể thao và tình yêu bóng đá ở Campuchia ”, anh nói, đồng thời cũng tiết lộ sự hâm mộ dành cho đội tuyển Campuchia đang lớn dần trong vài năm nay bởi thành tích được cải thiện. Mặc dù vậy Leak cũng rất thực tế khi đề cập tới triển vọng của U22 Campuchia tại SEA Games lần này.
“Có rất nhiều đội mạnh hơn Campuchia ở Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam. Rất khó để Campuchia vô địch. Tuy vậy, tôi vẫn hy vọng đội quân của HLV Keishuke Honda sẽ tạo ra bất ngờ. Thật tuyệt vời nếu Campuchia và Việt Nam sẽ gặp nhau ở trận chung kết”, chàng cựu sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội bình luận.