Sẽ ra sao nếu con người vẫn còn đuôi?

Thanh Long |

Bộ phận tưởng chừng nhỏ bé nhưng có thể vẽ lại cả con đường tiến hóa của nhân loại.

Trước hết, hãy tìm hiểu tại sao con người không có đuôi?

Trước hết, hãy tìm hiểu tại sao con người không có đuôi?

Ngoái nhanh qua đằng sau mông, bạn sẽ thấy bản thân mình đã tiến hoá. Không giống như phần lớn các loài linh trưởng còn tồn tại trên Trái Đất, con người đã bị mất đuôi.

Suy cho cùng thì đó cũng là một điều tốt. Tôi không muốn trở thành một kẻ bất lịch sự khi ngồi phải đuôi của người khác trên xe bus. Hay thậm chí bạn có thể bị đau khi ngồi lên đuôi của chính mình.

Những chiếc quần jean và cả bộ vest bóng mượt thì sao? Chắc chẳng ai muốn phải khoét một lỗ phía sau đũng quần và sáng nào cũng nheo mắt để xỏ đuôi mình vào đó. Còn điều kỳ lạ gì có thể xảy ra nữa, nếu giả sử con người vẫn còn đuôi?

Câu hỏi này đưa chúng ta quay lại khoảng 10 triệu năm kể từ khi thiên thạch đưa khủng long vào quên lãng. Các loài động vật có vú nhỏ sau đó mới có cơ hội để phát triển và tiến hoá dần trở thành linh trưởng.

Giống như khỉ, khỉ lùn Tarsier và vượn cáo ngày nay, những sinh vật tiền linh trưởng trong thế giới cổ đại cũng từng có một cái đuôi rất dài. Chiếc đuôi phục vụ chức năng giữ thăng bằng cho chúng khi leo trèo và di chuyển trên các ngọn cây cao.

Theo thời gian, một số loài thậm chí đã phát triển những chiếc đuôi này thành một chi phụ, tựa như ngón tay cái với mức độ khéo léo mà bất cứ ai trong số chúng ta cũng muốn sở hữu. Bạn có thể dùng chiếc đuôi dài và tương đối khỏe để bám víu, cầm nắm và thậm chí hoạt động được như một loại vũ khí.

Thật không may cho chúng ta, khoảng 20 triệu năm trước, một nhóm động vật linh trưởng đã ra đời mà không có đuôi. Nhóm linh trưởng này sau đó đã tiến hoá thành khỉ đột, tinh tinh, bonobo và đười ươi ngày nay. Tất nhiên là chưa kể đến con người chúng ta.

Một nghiên cứu gần đây đã tìm ra nguyên nhân tại sao đuôi của nhóm linh trưởng mới này lại bị tiêu biến. Bo Xia, một nhà nghiên cứu sinh học tế bào gốc tốt nghiệp từ Đại học New York đã so sánh bộ gen của 6 loài vượn với bộ gen của 9 loài khỉ. Sự khác biệt trong 2 loài này cho phép Xia tìm thấy những đột biến giải thích tại sao khỉ có đuôi còn vượn thì lại không có.

Hóa ra, đó là do một bit di truyền lưu động có tên gọi "trình tự Alu" đã nhảy bổ vào gen TBXT, một gen quan trọng có trách nhiệm tạo ra cái đuôi cho linh trưởng. Gen TBXT cũng chịu trách nhiệm tạo đuôi cho các loài thú có vú khác, từ hổ báo, cho tới chó mèo và chuột.

Gần một thế kỷ trước, các thí nghiệm do nhà di truyền học người Nga Nadezhda Dobrovolskaya-Zavadskaya khởi xướng đã chứng minh đột biến trong gen TBXT có thể làm ngắn đuôi của chuột.

Theo thời gian, trình tự Alu trong TBXT đã kết hợp với một số biến đổi gen khác khiến các loài linh trưởng mới ngày càng có một xương cụt phẳng, một đặc điểm hoàn hảo cho phép chúng ngồi, cúi người và sải bước bằng hai chân.

Sẽ ra sao nếu con người vẫn còn đuôi? - Ảnh 1.

Nhưng tiến hóa đôi khi mắc lỗi, trên thế giới thỉnh thoảng vẫn có một đứa trẻ có đuôi ra đời

Có thể bạn chưa biết, tất cả chúng ta khi còn ở trong bụng mẹ đều đã từng mọc đuôi. Cụ thể, ở tuần thai thứ 4 cho tới thứ 8, phôi người sẽ phát triển một cái đuôi ở phần xương cụt như một tàn tích di truyền mà tổ tiên chúng ta để lại.

Phần đuôi này nếu tiếp tục phát triển sẽ dài ra với hàng chục đốt sống. Nhưng như đã nói, khi gen TBXT trên người đã bị tắt, đến tuần thai thứ 6 cho tới 12, các tế bào bạch cầu sẽ phá hủy những cái đuôi của tất cả chúng ta.

Theo đúng nghĩa đen, các tế bào bạch cầu sẽ ăn và nuốt một nửa tế bào ở vùng đuôi sau xương cụt, hấp thụ chúng trở lại để tạo ra các tế bào mới có ích hơn. Một nửa tế bào còn lại hợp nhất vào với nhau và tạo ra một mỏm xương cuối cùng ở cột sống của bạn.

Tuy nhiên, mẹ thiên nhiên vốn yêu thích sự đa dạng, bởi vậy mà một số ít người trên thế giới (chủ yếu là nam giới) vẫn được sinh ra với cái đuôi phôi thai còn nguyên vẹn. Mặc dù ít khi sở hữu các đốt sống thực sự, những cái đuôi này vẫn có sụn và mạch máu nuôi sống chúng và đôi khi còn ngoe nguẩy được.

Sẽ ra sao nếu con người vẫn còn đuôi? - Ảnh 3.

Nhưng con người thường nghĩ rằng mình không cần đến đuôi, một đứa trẻ có đuôi thậm chí còn được coi là dị biệt, các bác sĩ thường sẽ tư vấn cho cha mẹ đứa nhỏ cắt bỏ đuôi ngay từ khi còn nhỏ.

Sự thật là đã có người từng giữ đuôi đến năm 17 tuổi nhưng cuối cùng cũng phải cắt đi vì không thể chịu đựng thêm nữa. Ngoài sự mặc cảm về bản thân, đuôi người không thực sự có chức năng hữu dụng.

Ngược lại, nhiều tình huống bất tiện có thể xảy ra, ví dụ như người có đuôi không thể mặc quần bình thường và ngồi lên đuôi của chính mình có thể gây đau đớn.

Tuy nhiên, ý tưởng người có đuôi, một chiếc đuôi dài và có chức năng thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bạn có muốn sở hữu một cái đuôi giống như người thổ dân Na'vi trong phim Avatar hay không?

Sẽ ra sao nếu con người vẫn còn đuôi? - Ảnh 4.

Điều gì sẽ xảy ra nếu con người vẫn giữ đuôi?

Sự thật là nuối tiếc chiếc đuôi là điều mà chúng ta không nên làm. Bởi nếu giữ đuôi, loài người có thể đã tiến hóa theo một con đường rất khác – thậm chí không thể tiến hóa. Hãy tìm hiểu lý do tại sao lại vậy?

Theo giải phẫu học, đuôi không chỉ là một phần mở rộng đơn thuần treo ra ở phía cuối cột sống. Để có một cái đuôi dài và hoạt động được, nó phải được neo vào một số cấu trúc giải phẫu rất tinh vi xung quanh vùng hông.

Cùng với nhau, những xương, dây chằng và cơ ở vùng này mới kéo cơ thể bạn được vào vị trí thẳng hàng, cho phép bạn giữ thăng bằng và thậm chí biến đuôi thành một công cụ cầm nắm

Vì vậy, nếu con người giữ đuôi, chúng ta cũng phải giữ cả các cấu trúc hông, xương và cơ như loài khỉ để sử dụng được nó. Nếu không, cái đuôi sẽ chẳng có tác dụng gì hơn một đoạn xúc xích dài cồng kềnh mà bạn lúc nào cũng phải lôi xềnh xềnh nó dưới mặt đất.

Sẽ ra sao nếu con người vẫn còn đuôi? - Ảnh 6.

Đáng buồn là cấu trúc hông và xương của các loài linh trưởng này có thể kéo lùi sự tiến hóa của loài người chúng ta. Các loài linh trưởng có đuôi thường có gai dài hơn ở một vài đốt sống.

Một số loài như khỉ có đặc điểm cơ xương khớp với phần thắt lưng ngắn hơn, làm cứng thêm các gai của chúng. Lưng cứng cáp hơn cho phép chúng nhảy tốt hơn và chịu được các cú ngã.

Vì vậy, nếu giữ đuôi, con người có thể sẽ phải điều chỉnh cột sống của mình để có lưng ngắn hơn, giống như bạn thấy một số người già thường sơ vin quần của họ tới tận giữa ngực.

Ngoài ra, đuôi của các loài linh trưởng còn hoạt động như một cấu trúc giúp hỗ trợ các cơ quan trong ổ bụng của chúng như bàng quang và ruột. Đó là thứ cho phép chúng tạo áp lực mạnh lên ruột mà vẫn giữ được tất cả các phần thịt ở đúng vị trí, đồng thời giúp chúng ta nhịn được tiểu tiện và đại tiện.

Với suy nghĩ đó, nếu con người có đuôi giống khỉ thì cũng sẽ phải có rất nhiều điều chỉnh khác trên toàn bộ cơ thể mình. Bạn có thể sẽ cần một cơ sàn chậu khác để hỗ trợ các cơ và xương sống ở đuôi. Và bạn sẽ cần phân công thêm một vùng não chịu trách nhiệm cảm giác và điều khiển cái đuôi đó.

Sẽ ra sao nếu con người vẫn còn đuôi? - Ảnh 7.

Thậm chí, có những giả thuyết cho thấy nếu không mất đuôi, con người sẽ không thể nào đứng thẳng lên được và đi bằng hai chân. Vì vậy, từ bỏ bộ phận này hóa ra lại là một cuộc cách mạng trong quá trình tiến hóa của con người.

Giả sử tổ tiên của chúng ta ngoan cố giữ lại cái đuôi của mình, có thể tất cả chúng ta bây giờ vẫn còn đang sống trên cây, và nhường thế giới lại cho những sinh vật khác chiếm lĩnh mặt đất. Niềm an ủi duy nhất là với cái đuôi đó, mỗi người chúng ta có thể cầm thêm một quả chuối.

Tham khảo Sciencealert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại