Từ lâu, đã có nhiều giả thuyết thắc mắc rằng liệu con người có thực sự tồn tại hay không. Tuy nhiên, từ khi máy tính được sử dụng rộng rãi và chứng minh sức mạnh của mình, con người mới bắt đầu suy nghĩ sâu hơn về thế giới giả lập do máy tính tạo ra.
Một nghiên cứu mới đây tại Đại học Portsmouth, Anh đã ủng hộ ý tưởng kỳ quái rằng tất cả chúng ta đang sống trong một mô phỏng máy tính, một lý thuyết có thể gây ảnh hưởng lớn đối với nền khoa học và công nghệ hiện nay.
Công trình trên cho thấy, vũ trụ hoạt động giống như một chiếc máy tính trong việc sắp xếp và xóa những thông tin không cần thiết, một dấu hiệu chính cho thấy thực tại có thể đã được sắp đặt từ trước.
Ông Melvin Vopson, Phó Giáo sư Vật lý tại Đại học Portsmouth, nói: Tất cả các giác quan mà chúng ta có, chúng chỉ là những tín hiệu điện được não chúng ta giải mã. Từ đó, có thể coi chúng ta chỉ là những cỗ máy tính sinh học. Không có gì hơn thế cả".
Tiến sĩ Melvin Vopson tuyên bố có thể có bằng chứng cho thấy tất cả chúng ta đang sống trong một mô phỏng ảo. (Ảnh: Đại học Portsmouth)
Giả thuyết vũ trụ giả lập có một số người nổi tiếng ủng hộ, bao gồm cả Elon Musk. Điều này cho thấy, mọi thứ về cơ bản đều được tạo thành từ các mảnh thông tin theo đơn vị bit.
Ông Vopson cho biết, ông vô tình phát hiện ra hành vi này khi nghiên cứu các đột biến gen của virus SARS-CoV-2. Trái ngược với thuyết tiến hóa của Darwin, chúng không ngẫu nhiên và luôn dẫn đến sự giảm entropy, hay thước đo sự rối loạn trong một hệ thống cô lập trong vũ trụ.
Ông Melvin Vopson nhận định: "Nếu đây là một định luật đề cập đến các quá trình tính toán và thông tin, và vũ trụ thực hiện điều này liên tục, dường như ngay cả với sự sống sinh học, có lẽ vũ trụ thực sự hoạt động giống một chiếc máy tính khổng lồ".
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia đồng ý rằng loài người vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu con người cần quan tâm và có trách nhiệm với những gì đang xảy ra trước mắt, hay là mắc kẹt trong suy nghĩ thế giới được lập trình từ trước?