1. Đấy là lời nhận xét của cầu thủ từng được đề cử Quả bóng vàng châu Á 10 năm về trước - cựu trung vệ Vũ Như Thành. Hôm qua, sau buổi họp báo trước trận, HLV Park Hang-seo cũng đã gặp riêng truyền thông Việt Nam để yêu cầu một việc, ấy là... giữ kín hộ ông thông tin về đội hình xuất phát cho đến khi trận đấu bắt đầu.
Đấy là điều mà nhà cầm quân người Hàn Quốc này chưa từng làm trong quá khứ. Ông làm điều này ngay trước trận bán kết gặp Campuchia - trận đấu mà ắt hẳn nhiều người nghĩ rằng nó sẽ dễ dàng hơn nhiều so với những trận đấu gặp U22 Indonesia hay Thái Lan trước đó. Với động thái của mình, HLV Park Hang-seo truyền đi thông điệp rằng ông không hề coi thường Campuchia, các học trò của ông cũng vậy, và người hâm mộ cũng nên thế.
Quả tình, bản thân ông Park cũng vừa nhận một "bài học sáng mắt", chính là trận đối đầu với U22 Thái Lan. Hơn hai năm về trước, cựu danh thủ Thái Lan Worrawoot Srimaka từng dẫn dắt U22 Thái Lan vô địch SEA Games 29, song rốt cuộc thay vì được vinh danh, ông phải nhận không ít lời dè bỉu từ chính người hâm mộ nước nhà. Người ta nói: "Ai dẫn dắt mà chẳng được, Thái Lan đoạt HCV SEA Games là chuyện đương nhiên mà".
Thời điểm ấy, Thái Lan là đội bóng 3 lần liên tiếp giành HCV SEA Games môn bóng đá nam, và "được voi đòi tiên" người hâm mộ Thái Lan muốn đội bóng của mình không những vô địch, mà còn phải thể hiện được lối chơi "áp đảo quần hùng", phải vô địch thật thuyết phục.
Ông Park từng cùng các học trò bước vào trận gặp U22 Thái Lan với tâm thế ấy - tâm thế phải hạ gục Thái Lan để chứng tỏ mình xứng đáng với ngôi vô địch Đông Nam Á, trong khi không quá cần thiết phải như vậy. Rất cuộc về mặt kết quả, thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn có được thứ mình muốn - ngôi đầu bảng và trận bán kết gặp U22 Campuchia, nhưng Thái Lan mới là những người ra về trong tiếc nuối.
U22 Thái Lan mới là những người rời sân trong tiếc nuối.
2. Cả ba trận đấu gần nhất của U22 Việt Nam, có đến hai trận họ bị dẫn trước, trận còn lại là trận đấu mà các cầu thủ Việt Nam chơi dở nhất dưới thời ông Park, hay chí ít, họ có một hiệp đấu đầu tiên dở chưa từng có, là điểm đen của sự nghiệp cầm quân ở Việt Nam của ông thầy người Hàn Quốc.
Nói rằng U22 Việt Nam đang có phong độ phong tốt thì hơi buồn cười, bởi rõ ràng 5 trận vòng bảng, họ giành đến 4 chiến thắng, 1 trận hòa, đoạt ngôi đầu bảng đầy xứng đáng. Nhưng rõ ràng với mạch 3 trận đấu gần nhất, U22 Việt Nam đang có những bất ổn nhất định, nhất là trong hiện trạng vắng đội trưởng Quang Hải - linh hồn của mọi đội bóng trong tay thầy Park suốt hai năm qua.
Vòng bảng SEA Games 2019: U22 Campuchia 3-1 U22 Malaysia
Tấn Tài bị thay ra liên tiếp trong 2 trận đấu, mà trận đấu gần nhất, hậu vệ này bị thay ra ngay từ phút thứ 18, để thầy Park kéo Trọng Hoàng về, trao lại cho anh trách nhiệm mà Quang Hải từng gách vác. Trong khi đó, Văn Hậu được bố trí đá trung vệ lệch trái. Tất cả những thay đổi ở U22 đang chứng mình một điều rằng bản thân ông Park cũng chưa có được một sự bố trí nhất quán - điều mà ông luôn làm được ở những giải đấu trước.
Dẫu vậy, để thắng U22 Campuchia không hề khó. Chỉ có điều người hâm mộ đừng nên quá kỳ vọng vào một lối chơi áp đảo như các mà U22 Việt Nam từng khởi đầu trong trận gặp U22 Indonesia, cũng đừng mong một thế trận tấn công tưng bừng như những phút đầu đá với U22 Thái Lan, bởi với sự hưng phấn của mình, U22 Campuchia sẽ chẳng mảy may sợ hãi khi nhận đòn tấn công từ thầy trò ông Park.
Ba bàn thắng vào lưới U22 Malaysia chứng minh rằng sức mạnh hàng công của U22 Campuchia không hề tệ. Và chắc chắn thầy Park không muốn thêm lần nữa đội bóng của mình bị dẫn bàn. Với ông, "đau tim" như thế là quá đủ rồi.
Trước Campuchia, nhà cầm quân người Hàn Quốc chắn hẳn sẽ quay lại với thứ mà cả mình lẫn các học trò giỏi nhất: chơi phòng ngự - phản công. Sẽ không phải là một thế trận phòng ngự - phản công rõ ràng như ông từng làm trước các đội bóng mạnh, mà là một thế trận ưu tiên cho phòng ngự, đặt sự chắc chắn lên đầu trước khi nghĩ đến chuyện ghi bàn để hạ gục đối phương.
Đến lúc phải toan tính cẩn thận rồi, ông Park ạ!