Cụ thể, ông Vũ Hồng Thanh cho biết Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành
Trong đó, năm nay sẽ ban hành các Nghị định thi hành Luật Đất đai về các nội dung: quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật; quy định về điều tra cơ bản đất đai; quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định về giá đất; quy định chi tiết về đất trồng lúa; quy định về lấn biển; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Bên cạnh đó, quy định về việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; và quy định về quỹ phát triển đất cũng sẽ được ban hành Nghị định hướng dẫn trong năm nay.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi lĩnh vực phụ trách sẽ thực hiện giám sát việc ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai, bảo đảm các văn bản dưới Luật này phải quy định chi tiết đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai một số đề án thí điểm liên quan Luật này.
Hiện Bộ đang khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng 2 đề án thí điểm gồm: Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác (thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội) và Đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy...
Ngoài ra, trong năm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023. Trong đó, nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề: chỉ đạo, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, điều tiết thị trường bất động sản; nguồn cung bất động sản; giao dịch bất động sản; tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; công tác quy hoạch; việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản.