Sau khi kết quả đấu giá cổ phần Vinaconex được ngã ngũ, câu hỏi lớn nhất vẫn là năng lực tài chính của An Quý Hưng - nhà đầu tư được cho là đã chiến thắng khi trả mức giá gần 7.400 tỷ đồng để giành chiến thắng trong phiên đấu giá 57,7% cổ phần của Tổng Công ty Vinaconex.
An Quý Hưng đã trả mức giá 28.900 đồng/cp - cao hơn 36% so với giá khởi điểm.
An Quý Hưng được sở hữu bởi ông Nguyễn Xuân Đông - người hiện đang là thành viên HĐQT của Hải Phát Invest (HPX). Tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của An Quý Hưng chỉ đạt lần lượt là 1.000 tỷ và 456 tỷ đồng. Các con số tương ứng của Vinaconex là 13.000 tỷ và 7.900 tỷ đồng.
Ngay trước khi đợt đấu giá diễn ra, vốn điều lệ của An Quý Hưng được tăng từ 360 tỷ lên 500 tỷ đồng thì con số này vẫn khá nhỏ để có thể huy động được tới gần 7.400 tỷ đồng - nhiều khả năng là vốn vay - để thực hiện thương vụ này.
Do đó, cũng không loại trừ khả năng An Quý Hưng chỉ là đầu mối đứng ra "mua hộ" những nhà đầu tư khác.
An Quý Hưng cũng từng mua rồi bán lại 31% cổ phần của Vimeco (VMC), một trong những công ty thành viên chủ chốt của Vinaconex. Do vậy hiện vẫn quá sớm để biết được An Quý Hưng có dự định đầu tư lâu dài vào Vinaconex hay không.
Dù vậy một điều chắc chắn là sự xuất hiện của An Quý Hưng đã làm cho kế hoạch của một tập đoàn tư nhân lớn trong nước vốn rất quan tâm đến việc mua lại cổ phần của Viettel lẫn SCIC đã không thể thành công. Do đó, cục diện sở hữu sau phiên đấu giá chắc chắn sẽ có nhiều biến động bất ngờ.
Với 57,7% cổ phần trong tay, An Quý Hưng sẽ nắm được quyền chi phối đối với hoạt động của Vinaconex nhưng chưa có "quyền lực tuyệt đối".
Theo Điều lệ của Vinaconex, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông liên quan đến việc sửa đổi và bổ sung Điều lệ, chào bán cổ phiếu, tổ chức lại doanh nghiệp, các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn... chỉ được thông qua khi có từ 65% trở lên số phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết.
Như vậy, nếu An Quý Hưng và các bên liên quan nắm giữ thêm gần 8% cổ phần nữa để lên trên mức 65% thì khi đó nhóm này sẽ có toàn quyền quyết định các quyết sách quan trọng.
Ở phía ngược lại, nếu nhà đầu tư mua lại 21,3% cổ phần từ Viettel nếu tăng được tỷ lệ sở hữu lên trên 35% thì có thể phủ quyết được mọi quyết sách quan trọng do nhóm cổ đông đa số đưa ra.
Nếu 2 bên muốn gia tăng sở hữu để củng cố tiếng nói thì người được lợi nhất sẽ là Pyn Elite Fund, cổ đông ngoại đang nắm 7,1% cổ phần.
Đó là trong trường hợp 2 nhóm cổ đông không tìm được tiếng nói chung và đây là điều mà không ai mong muốn. Không ít doanh nghiệp đã từng có giai đoạn đình trệ khi mà 2 nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung và phủ quyết lẫn nhau như đã từng xảy ra tại Bibica, Vicostone...