SCMP: Ồ ạt kiện Bắc Kinh vì Covid-19, Mỹ mở "hộp Pandora" đáng sợ khi giày vò ký ức Thế kỷ ô nhục của TQ

Thúy |

Các vụ kiện Trung Quốc tại Mỹ liên quan đến Covid-19 không những sẽ thua trên tòa, mà còn có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng - theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Vào tháng Tư, Tổng chưởng lý bang Missouri, Mỹ, ông Eric Schmitt đã đệ đơn kiện Trung Quốc vì những hành động thiếu trách nhiệm đối với đại dịch Covid-19. Ông cho rằng các quan chức Trung Quốc cần "chịu trách nhiệm cho số người chết khổng lồ, cũng như những tổn thất mà nền kinh tế phải gánh chịu do đại dịch gây ra trên toàn thế giới, trong đó có bang Missouri".

SCMP: Ồ ạt kiện Bắc Kinh vì Covid-19, Mỹ mở hộp Pandora đáng sợ khi giày vò ký ức Thế kỷ ô nhục của TQ - Ảnh 1.

Ông Eric Schmitt (Ảnh: CNN)

Nhiều vụ kiện tương tự đã diễn ra. Các cá nhân và doanh nghiệp bang California và Florida ở Mỹ cũng đã kiện Trung Quốc vì những tổn thất, thiệt hại liên quan đến đại dịch. Các vụ kiện đều có rất ít khả năng thành công tại các tòa án Mỹ, căn cứ theo Đạo luật miễn trừ đối với quốc gia có chủ quyền (Foreign Sovereign Immunities Act – FSIA) từ năm 1976.

Vậy tại sao các bang vẫn đệ đơn kiện? Theo tác giả Angela Huyue Zhang - giám đốc Trung tâm Luật Trung Quốc, phó giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, hành động này phần lớn xuất phát từ lý do chính trị trong nước. Nước Mỹ đang trong năm bầu cử và các chính trị gia Cộng hòa trước nay luôn muốn thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc.

Hơn thế, các hành động kiện cáo trên có lẽ cũng được thực hiện với mong muốn đánh lạc hướng chú ý vào thất bại của chính quyền ông Trump trong việc đối phó với đại dịch.

Phân tích trên SCMP, bà Zhang đánh giá, bất kể động cơ của họ là gì, những người đệ đơn kiện đang bắt đầu một cuộc chiến lớn hơn rất nhiều những gì họ nghĩ. Bởi có thể họ đã quên đặt mình vào vị trí của Trung Quốc, và quên nhìn lại lịch sử Trung Quốc.

Mối nhục trăm năm của Trung Quốc

"Thế kỷ ô nhục" (The century of humiliation), hay "Bách niên quốc sỉ", là khái niệm sử học được dùng cho lịch sử Trung Quốc để nói tới giai đoạn Trung Hoa bị các cường quốc châu Âu, Mỹ và Đế quốc Nhật Bản can thiệp quân sự, chia cắt, bắt ký các hiệp ước bất bình đẳng và đàn áp sự phản kháng. Giai đoạn này bắt đầu từ cuộc Chiến tranh nha phiến trong thế kỷ 19 và kéo dài đến khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã buộc phải nhập một số lượng lớn thuốc phiện nếu muốn xuất khẩu tơ lụa và các mặt hàng khác. Thêm vào đó, sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc trước hành động này đã bị các cường quốc phương Tây và Nhật Bản phớt lờ, các cường quốc lúc đó chỉ tập trung chia cắt và cai trị.

Các nhà lãnh đạo nước Trung Quốc mới quyết tâm để cho giai đoạn lịch sử này nằm lại quá khứ. Dù vậy, "Mối nhục trăm năm" là một ký ức bám rễ sâu vào tư tưởng của người dân nước này, và ngày nay khái niệm đó không chỉ phản ánh một giai đoạn lịch sử, mà còn là điều người dân Trung Quốc luôn nghĩ tới mỗi khi nước ngoài có các động thái ngoại giao ảnh hưởng tới bộ mặt của Trung Quốc.

SCMP: Ồ ạt kiện Bắc Kinh vì Covid-19, Mỹ mở hộp Pandora đáng sợ khi giày vò ký ức Thế kỷ ô nhục của TQ - Ảnh 2.

Mặt sau của sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị ném bom năm 1999. Ảnh: Shutterstock.

Sự giận dữ của người Trung Quốc

Có thể kể đến phản ứng của người dân sau vụ oanh tạc của Mỹ vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade (Nam Tư) năm 1999.

Vào tháng 5/1999, oanh tạc cơ B2 có chủ ý tấn công một cơ sở vũ khí tại Nam Tư, nhưng lại nhắm nhầm mục tiêu vào Đại sứ quán Trung Quốc, làm 3 người Trung Quốc thiệt mạng và một số người bị thương.

Sau vụ oanh tạc, các cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người đã nổ ra khắp nơi tại Trung Quốc, ở khắp các thành phố. Những người biểu tình đã vô cùng phẫn nộ tới mất kiểm soát.

Vụ oanh tạc vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư đã khiến Tổng thống Mỹ Bill Clinton phải xin lỗi Trung Quốc và đề nghị bồi thường cho nạn nhân.

Theo Huyue Zhang, người Mỹ có lẽ không tin rằng sự phẫn nộ của Trung Quốc lại có thể lớn đến như vậy. Nhiều người Trung Quốc có lẽ đã nghĩ cuộc oanh tạc trên là ý đồ của Mỹ nhằm "nhắc nhở" Trung Quốc về vị thế "anh cả". Hoặc nói các khác, người Mỹ muốn "nhạo báng" họ, thêm một lần nữa.

Lòng tự tôn dân tộc cao và kí ức khó quên về "thế kỉ bị sỉ nhục" có lẽ chính là lý do để phản ứng của Trung Quốc thời điểm bấy giờ lại dữ dội đến như vậy.

SCMP: Ồ ạt kiện Bắc Kinh vì Covid-19, Mỹ mở hộp Pandora đáng sợ khi giày vò ký ức Thế kỷ ô nhục của TQ - Ảnh 3.

Sinh viên Trung Quốc ném đá vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh năm 1999. Ảnh: AP.

Các câu chuyện từ năm 1999 được nhắc lại trong bối cảnh hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ.

Bà Zhang nhận xét, khi Trung Quốc chọn con đường toàn cầu hóa, việc nước này cần minh bạch hơn trong các hành động của mình hay được kì vọng có những phản ứng tốt hơn với bổn phận là một cường quốc là điều hoàn toàn hợp lý. Vậy nên, có lẽ Mỹ chỉ cần đưa ra nhận xét mang tính xây dựng về kinh nghiệm làm "anh cả" của mình.

Còn trước mắt, các vụ kiện của Mỹ liên quan đến Covid-19 đang được đệ trình trong khoảng thời gian này đã gây ra những mâu thuẫn không cần thiết.

"Đây là thời điểm thế giới cần hợp tác, không phải đổ lỗi. Những hành động đổ lỗi chỉ động chạm vào tinh thần dân tộc của người Trung Quốc, đặc biệt ở những người trẻ, và có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng," tác giả Huyue Zhang kết luận.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại